Ở Lâm Đồng, khi nhiều nhà vườn Di Linh, Bảo Lộc (Lâm Đồng) còn đang thu hoạch thì tại một nhà vườn, những cây sầu riêng đang được chăm chút, tưới nước, bỏ phân để chờ mầm hoa bung ra. Ấy là người nông dân đang chăm sóc sầu riêng ở nơi có lẽ chín sớm nhất đất Lâm Đồng.
Vườn sầu riêng của ông Nguyễn Bá Tiến đang chuẩn bị nảy mầm hoa |
Gia đình ông Nguyễn Bá Tiến, thôn Hà Tây, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh đang những ngày chăm sóc sầu riêng cao điểm. Tưới nước, bỏ phân, dưỡng bộ rễ, dưỡng lá để cây sầu riêng phục hồi lại sau một mùa trái chín. Ông Nguyễn Bá Tiến cho biết: “Sầu riêng của vườn nhà tôi cho thu hoạch từ tháng 4 Dương lịch, thu rất sớm. Thu xong thì phải chăm cây dưỡng cây, bón thúc, làm chồi để cây mau hồi phục, tiếp tục bung hoa vụ sau”. Ông Tiến cũng chia sẻ thêm, do sầu riêng nhà ông chín rất sớm, khi gần như cả tỉnh chưa có trái thu hoạch nên giá rất cao. Trung bình nguyên mùa, giá cao hơn trung bình giá sầu riêng 15-20 ngàn đồng/kg toàn tỉnh. Vụ sầu riêng 2021, ông thu được trung bình 15 tấn trái, giá bán trung bình 62 ngàn đồng/kg trong khi năm nay, sầu riêng Lâm Đồng giá cửa vườn đạt 40-45 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Bá Tiến cho biết, vườn của ông cũng như hầu hết bà con thôn Hà Tây trước đây trồng điều. Cây điều ít phải chăm nhưng năng suất và thu nhập không cao, vì vậy năm 2008, ông trục hết vườn điều, xuống giống 50 cây sầu riêng trồng thử. Vì trồng sau nên ông Tiến có lợi thế về giống, vườn ông toàn chọn giống sầu riêng Thái Monthon, Ri6, cơm vàng hạt lép, thịt trái béo, ngọt. Điều không ngờ là đất Hà Tây rất hợp với cây sầu riêng, do thổ nhưỡng, do khí hậu nên sầu riêng ở đây vừa ngon, vừa chín sớm. Vì cây chín sớm nên giá sầu riêng rất cao, thương lái vào tận vườn cắt. Ông Tiến cho biết thêm, hiện ông mới xuống giống thêm 100 cây sầu riêng cũng được 3 - 4 năm tuổi, mùa tới sắp cho trái bói và ông đánh giá cũng thấy diện tích này cho quả rất sớm.
Là nông dân trồng sầu riêng “đi sau đẻ muộn”, ông Nguyễn Bá Tiến rất tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc canh tác. Ông cho biết: “Chất lượng trái phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật chăm sóc. Phân hữu cơ nhiều, chăm bộ rễ tốt, bộ lá khỏe thì cây khỏe, không bệnh tật, trái nhiều, ngon. Chăm không tốt cây sẽ yếu, hay bệnh tật, năng suất và chất lượng đều giảm”. Ông Tiến là một trong những nông hộ thực hiện mô hình biến rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ của huyện Đạ Tẻh. Ông ủ rác rau, củ với men Trichoderma thành thứ phân hữu cơ đen óng, dùng ngay trên đất sầu riêng của gia đình cho hiệu quả rất tốt. Ông cho biết, hiện ông đang chăm vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP đã được công nhận, đảm bảo chăm “4 đúng”, tuân thủ quy trình do ngành nông nghiệp khuyến cáo.
Ông Đặng Đình Hồng, Trưởng thôn Hà Tây, xã Quốc Oai rất tự hào với điều kiện đặc biệt của sầu riêng thôn ông. Ông Hồng chia sẻ, sầu riêng Hà Tây được đánh giá cao bởi chín rất sớm, nhiều nhà cuối tháng 3 đã có thu. Vì có trái sớm, trái ngon nên giá cao hơn hẳn, mang lại thu nhập tốt cho nông dân Hà Tây. Chính vì vậy, bà con Hà Tây cũng đang tích cực tăng thêm diện tích sầu riêng nhưng điều khá đặc biệt là chỉ đất vùng thấp trong thôn mới chín sớm, sầu riêng bà con trồng trên đồi xa xa, trái rất ngon nhưng chín không sớm, giá không tốt như sầu riêng trong thôn. Mục tiêu của ông Đặng Đình Hồng và bà con trồng cây ăn trái trong thôn không chỉ dừng ở trồng và bán sầu riêng. Bà con đang tập hợp thành hợp tác xã, sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng thương hiệu sầu riêng Hà Tây để mang trái sầu riêng đi xa hơn, mang lại thu nhập cao hơn, để thị trường biết đến trái sầu riêng chín sớm Hà Tây. Như gia đình ông Nguyễn Bá Tiến, năm 2021 cũng được ngành nông nghiệp hỗ trợ làm VietGAP, ông Hồng cũng hi vọng bà con Hà Tây tích cực trồng sầu riêng đúng chuẩn, để khi thị trường chưa có trái chín, người Hà Tây đã cung ứng ra thị trường những trái sầu riêng chín thơm ngọt.
DIỆP QUỲNH / LÂM ĐỒNG ONLINE
إرسال تعليق