Như thường lệ, mùa thu hoạch sơn tra (táo mèo) từ đầu tháng 9 hằng năm, đến nay, đã qua hơn 2 tháng nhưng nhiều vườn táo vẫn um tùm cỏ dại, chưa thu hoạch, vẫn chưa thấy cảnh xe từ vùng Mù Cang Chải về Nghĩa Lộ, Yên Bái chất đầy các bao tải táo. Các khu chợ trung tâm nơi tập kết táo như: Tú Lệ, Ngã Ba Kim, Chế Cu Nha, thị trấn Mù Cang Chải trước đây lúc nào cũng nhộn nhịp thì giờ vẫn vắng tanh.
Nỗi buồn trên gương mặt của người dân bày bán quả sơn tra tại thị trấn Mù Cang Chải. |
Là một trong những xã có tổng diện tích sơn tra rộng nhất nhì huyện, Nậm Khắt hiện có trên 1.200 ha với hơn 500 ha sơn tra cho thu hoạch quả. Ông Thào A Phềnh - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt trăn trở: "Hiện nay, xã có trên 900 hộ trồng táo, diện tích đã cho thu hoạch tập trung ở các bản: Nậm Khắt, Hua Khắt, Làng Sang... Tổng sản lượng táo hàng năm trên 600 tấn. Nếu giá bán dao động từ 6.000 - 8.000 đồng/kg thì mỗi hộ cũng có thu nhập trên 4 triệu đồng/vụ; nhiều hộ trồng sớm, có diện tích rộng, thu nhập 15 đến trên 20 triệu đồng mỗi vụ. Năm nay, cho đến giờ vẫn chưa thấy bóng thương lái nào đến thu mua táo.”.
Mùa thu hoạch táo đã về những ngày cuối vụ, nhưng trên các vườn táo, rừng táo vẫn không một bóng người thu hái hay trông coi táo. Đưa chúng tôi đi tham quan vườn táo của gia đình, ông Giàng A Páo ở bản Nậm Khắt lắc đầu: "Táo của gia đình tôi cả 3 quả đồi đó, trồng từ năm 2007, tất cả đều cho quả. Vụ năm 2019, đã bán được trên 35 triệu đồng, thế nhưng vụ năm nay, gia đình chưa đi hái quả nào, giờ quả đã chín rụng hết”. Vừa nói, ông Páo vừa bới nhanh lớp cỏ dại xanh um dưới gốc táo để lộ những quả chín dụng lăn lóc khắp mặt đất.
Ông Thào A Pàng cũng ở bản Nậm Khắt tiếp lời: "Nhà tôi có ít và trồng sau nên cây còn nhỏ, quả ít hơn. Vụ năm 2019, tôi thu bán được hơn 5 triệu đồng. Vụ năm 2020, bán được hơn 2 triệu đồng, với lượng quả như năm nay mà được giá như năm 2019 thì cũng phải gần chục triệu đồng. Ấy thế mà từ đầu vụ đến giờ, tôi chưa đi hái quả nào, cũng không buồn đi xem, chắc cũng chín rụng hết rồi”.
Chẳng riêng gì ở Nậm Khắt, tại thị trấn Mù Cang Chải, trong nhóm gần chục người bán táo, anh Sùng A Sử ở bản Háng Gàng, xã Lao Chải cho biết: "Nhà tôi không có nhiều, vài năm trước, táo có giá, mỗi vụ bán được gần chục triệu đồng, nhưng năm nay táo rẻ quá, không đủ công đi hái nên mỗi lần ra chợ huyện mua thực phẩm thì tôi đi chọn hái 1 tải táo chở ra bán lấy tiền xăng, từ đầu vụ đến giờ mới được 3 chuyến. Như hôm nay, tôi chọn táo ăn, táo ngon, quả to, ra đến đây bán giá 4.000 đồng/kg mà cũng chưa ai mua”.
Từ năm 2020 trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sơn tra cũng chung cảnh với nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, không có đầu ra ổn định, cứ được mùa là mất giá, gây thiệt hại cho nhân dân vài chục tỷ đồng mỗi vụ.
Cấp ủy, chính quyền huyện Mù Cang Chải, các xã cũng đã vào cuộc tìm đầu ra cho quả sơn tra giúp người dân nhưng chưa có kết quả vì sơn tra chỉ cho quả thu hoạch trong khoảng 2 tháng/năm. Bởi vậy, với một dây chuyền chế biến, một năm chỉ hoạt động 2 tháng, còn lại 10 tháng ngưng là rất khó khăn cho doanh nghiệp nếu dây chuyền công suất nhỏ khi vào vụ, sản xuất không kịp sẽ làm hỏng quả, dây chuyền công suất lớn chi phí càng lớn...
Nói về cây sơn tra, ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Với hướng ra cho quả sơn tra, huyện đã làm việc và liên kết với Công ty Đông dược Thế Gia đang xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ sơn tra tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn với sản lượng tiêu thụ khoảng 2.000 tấn. Ngoài ra, chủ động liên kết tiêu thụ táo ngon, táo ăn với các nhà phân phối, bán hàng tại các trung tâm thành phố, thị xã...”.
Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo bà con tạm thời không gia tăng diện tích trồng táo nữa. Tùy theo thế mạnh thực tế, trồng thay thế sơn tra bằng các loại cây trồng mới khác như: hồng giòn, lê Đài Loan, mận hậu, đào.
Cùng với sự vào cuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp, từng bước tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm của cấp ủy, chính quyền thì nhân dân Mù Cang Chải cũng cần tập trung chăm sóc, phòng cháy, phòng gia súc phá hoại đảm bảo về diện tích cũng như sản lượng quả mùa vụ sau để cây sơn tra giữ vững vai trò là cây trồng đa tác dụng.
Huyện Mù Cang Chải hiện có trên 6.000 ha sơn tra, trải khắp ở 13 xã, nhiều nhất là xã Nậm Có trên 1.400 ha, tiếp đến là Nậm Khắt trên 1.200 ha, Lao Chải hơn 400 ha... Trong đó, trên 3.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng hiện nay trên 3.000 tấn. Ngoài tác dụng là cây rừng trồng phòng hộ thì sơn tra cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ và trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn, góp phần xoá đói giảm nghèo ở huyện Mù Cang Chải.
A Mua / Báo Yên Bái
Đăng nhận xét