Mãng cầu Xiêm được xác định là cây trồng chủ lực của huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, từng là cây xóa khó giảm nghèo của nhiều người dân nơi đây. Thế nhưng, những vườn mãng cầu Xiêm bạt ngàn giờ chỉ còn là chuyện của quá khứ…
Ông Hai Phước tiếc nuối khi phải đốn bỏ vườn mãng cầu Xiêm của gia đình. |
Cách đây hơn 10 năm, cây mãng cầu Xiêm trở thành “cứu cánh” của nhiều người dân nghèo nơi đây do phù hợp với điều kiện khắc nghiệt của vùng đất này.
ÀO ẠT ĐỐN BỎ
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mãng cầu Xiêm gần 1 ha đã phá bỏ cách nay 3 tháng, ông Lê Văn Phước (còn gọi là Hai Phước, ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú) không giấu được vẻ tiếc nuối. Bởi cây trồng này đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định, xây được nhà khang trang.
Ngược thời gian về hơn 10 năm trước, ông Hai Phước cho biết: “Hồi đó, đất nuôi trái tốt, sau này không được như vậy nữa. Độ mặn 3 - 4 g/l, mãng cầu Xiêm vẫn cho trái được, nhưng càng về sau, nước ngọt ít quá, xâm nhập mặn tăng cao bám vào đất nên cây không phát triển tốt. Khi ngăn mặn, bên trong đê bao xì phèn, phèn càng ngày càng nặng nên cây không phát triển tốt nữa. Mãng cầu Xiêm là loại cây dễ trồng, nhưng cuối cùng cũng không sống lâu được”.
2 năm liền, do mặn lên cao, không đủ nước tưới để cây nuôi trái nên ông Hai Phước phải bấm bụng phá bỏ vườn mãng cầu Xiêm. “Ngày đốn vườn mãng cầu Xiêm, tôi không dám ra nhìn. Cây đẹp nhưng vẫn chịu thua. Tốn cả trăm triệu đồng với nó mà không thu được, nước không cấp đủ cho cây thì trái bị sượng, không bán được” - ông Hai Phước bùi ngùi nói.
Cũng tại xã Tân Phú, ông Lê Văn Hợp cũng có thời gian dài gắn bó với cây mãng cầu Xiêm. Sau đợt hạn, mặn cuối năm 2015, đầu năm 2016, vườn mãng cầu Xiêm của ông bắt đầu suy kiệt. Dù đã cố gắng dưỡng cây, nhưng cũng không thu hoạch được bao nhiều, ông phải bấm bụng đốn bỏ vườn mãng cầu Xiêm cách nay khoảng 3 năm.
Chỉ tay về mấy vườn mãng cầu Xiêm trước đây vừa mới chuyển sang trồng dừa, ổi, ông Hợp cho biết: “Lúc trước, ở đây toàn trồng mãng cầu Xiêm, nhưng giờ trống trơn. Khoảng năm 2014, cây mãng cầu Xiêm ở đây phát triển mạnh nhất. Lúc đó, trồng mãng cầu Xiêm cho thu nhập cao lắm. Có thời điểm, 1,5 công mãng cầu Xiêm của tôi thu hoạch được 1,1 tấn, bán được gần 20 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, tôi cũng kiếm được khoảng 70 triệu đồng. Những năm đó, cây phát triển tốt cho trái thấy mê luôn. Dân ở đây khá lên là cũng nhờ cây mãng cầu Xiêm này không”.
Hiện tại, ông Hợp đã chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, do không thể bám trụ với cây mãng cầu Xiêm. “Mãng cầu Xiêm lâu năm gặp nước mặn xâm nhập sẽ dần suy kiệt. Nếu trồng lại thì cây mãng cầu Xiêm cũng không tốt, trong khi đó giá bán trái chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg (mua xô) nên không ai mặn mà".
Thời gian qua, giá mãng cầu Xiêm rất thấp, trồng cây này không có lời nên người dân chuyển sang trồng cây khác. |
KHÔI PHỤC ĐƯỢC KHÔNG?
Từng là cây xóa khó giảm nghèo ở huyện Tân Phú Đông, nhưng giờ đây, diện tích mãng cầu Xiêm đã dần bị thu hẹp khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Có nhiều nông dân rất tâm huyết, cố gắng bám trụ với cây trồng này, nhưng rồi cũng đành bất lực. Hơn 70 năm sống ở đất cù lao này, ông Hai Phước rất hiểu thổ nhưỡng nơi đây. Theo ông Hai Phước, bộ rễ cây mãng cầu Xiêm là của cây bình bát nên mủ của rễ rất độc. Một khi cây chết, rễ sẽ tiêu hủy ra và bám trong đất. Khi người dân mang cây mãng cầu Xiêm trồng lại, bộ rễ ăn xuống gặp chất mủ của cây mãng cầu đã chết, cây con không chịu nổi phải chết.
Bí thư Chi bộ ấp Tân Thạnh (xã Tân Phú) Võ Văn Mười cho biết, cây mãng cầu Xiêm chết rồi rất khó trồng lại. Vườn mãng cầu Xiêm của ông đã trồng lại 3 lần nhưng cây cũng chết.
Thời điểm hưng thịnh của cây mãng cầu Xiêm, toàn huyện Tân Phú Đông có khoảng 900 ha, riêng xã Tân Phú có khoảng vài trăm ha. Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Phú Nguyễn Văn Đấu, trước đây, diện tích mãng cầu Xiêm ở xã lớn nhất huyện. Tuy nhiên, qua thống kê mới đây, diện tích mãng cầu Xiêm chỉ còn 41 ha.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Đấu, thời gian qua, giá mãng cầu Xiêm rất thấp, trồng cây này không có lời nên người dân chuyển sang trồng cây khác. Bên cạnh đó, hạn, mặn dẫn đến thiếu nước ngọt để tưới làm cho cây suy kiệt cũng là nguyên nhân người dân đốn bỏ mãng cầu Xiêm. Theo đó, người dân đã chuyển sang trồng cây dừa, cây ăn trái khác, sả…, chủ yếu là quay lại trồng cây dừa.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, hiện diện tích mãng cầu Xiêm của huyện chỉ còn 100 ha, chỉ còn trồng nhiều ở xã Tân Phú, một phần xã Phú Đông. Người dân trồng mãng cầu Xiêm trước đây giờ chủ yếu chuyển sang trồng cây sả, dừa. Một số diện tích ngoài đê bao, người dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Căn cứ vào hiện trạng này và định hướng một số quy hoạch tới đây, chắc có lẽ huyện sẽ điều chỉnh diện tích mãng cầu Xiêm lại do không thể phát triển thêm được.
TRỌNG ĐẠT / BÁO ẤP BẮC
إرسال تعليق