Cam bù sen Tri Lễ ở xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng không chỉ bởi màu đỏ gạch đẹp mắt mà còn có hương vị riêng biệt.
Hiện nay các cấp, ngành huyện Anh Sơn đang từng bước khôi phục và phát triển giống cam bù sen nhằm tạo ra giá trị bền vững cho một sản phẩm đặc trưng ở huyện Anh Sơn. Ảnh: Thái Hiền |
Cam bù sen Tri Lễ có nguồn gốc trên 150 năm ở làng Sao Sa thuộc thôn 3, xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, có thương hiệu nối tiếng của vùng đất Tri Lễ, với hương vị cam ngon mọng nước, ngọt thanh, múi vàng óng và có mùi thơm đặc trưng, chín vào dịp Tết Nguyên đán bắt đầu từ đầu tháng 12 âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng năm sau. Nguồn gốc xuất xứ cây cam bù sen theo lời kể lại rằng, vào đầu thế kỷ XX cây cam bù sen đã có tại 4 hộ gia đình gồm gia đình ông Nguyễn Cảnh Thịnh, ông Phạm Đắc Chư, ông Phạm Đắc Khương, ông Nguyễn Xuân Tràng ở xóm Đình, làng Tri Lễ, xã Khai Sơn.
Cây cam được trồng tại vùng Nương Đình (vùng đất bãi ven sông Lam). Đến năm 1966, các hộ di dân vào làng mới (nay là thôn 2 và thôn 3), trong đó có 3 hộ gia đình gồm ông Phạm Đắc Chư, ông Phạm Đắc Khương, ông Nguyễn Xuân Tràng có đem theo giống cam bù sen vào trồng và sau đó được thế hệ con cháu tiếp tục duy trì và trồng cho đến ngày nay. Từ đó đến nay các hộ dân trong vùng đã chiết cành để trồng, phát triển giống cam bù sen này trên địa bàn xã Khai Sơn.
Chúng tôi đã có dịp đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của hộ gia đình anh Lê Hữu Hải ở thôn 9, xã Khai Sơn, là một trong những hộ lưu giữ được giống cam bù sen và có diện tích lớn ở địa phương.
Anh Hải chia sẻ: Thấy được giá trị của sản phẩm cam bù sen và với lợi thế có diện tích đất đồi sẵn có của gia đình, anh đã lưu giữ giống cây này và hiện nay nhân giống hơn 500 gốc, trong đó hơn 300 gốc đã cho thu hoạch. Nhờ biết áp dụng kỹ thuật nên vườn cam của gia đình thường được thu vào dịp Tết Nguyên đán nên rất thuận lợi cho việc tiêu thụ. Trong dịp Tết năm ngoái, vườn cây cam bù sen cho thu hoạch hơn 6 tấn quả, với giá bán 70.000 đồng/kg, anh Hải thu về trên 350 triệu đồng.
Anh Lê Hữu Hải ở thôn 9, xã Khai Sơn, là một trong những hộ lưu giữ được giống cam bù sen và có diện tích lớn ở địa phương. Ảnh: Thái Hiền |
Còn với gia đình chị Đậu Thị Giang ở thôn 9, xã Khai Sơn, những năm gần đây thu nhập chính của gia đình cũng từ vườn cam bù sen. Chị Giang chia sẻ: Hiện nay toàn bộ diện tích đất của gia đình chị đầu tư trồng 400 gốc cam bù sen, trong đó có 150 gốc bắt đầu cho thu hoạch, còn lại là đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Vào dịp trước Tết hàng năm, loại cam này được nhiều khách hàng đến tận vườn để đặt mua về ăn, dâng cúng tổ tiên hoặc làm quà biếu.
Để cây cam phát triển bền vững, gia đình chị Giang đã tìm hiểu kỹ quy trình chăm sóc. Không chỉ chú ý đến khâu chăm sóc để vườn cam ngon, đẹp, đem đến cho người tiêu dùng những quả cam đảm bảo chất lượng nhất, mà để có sản phẩm cam sạch phục vụ Tết Nguyên đán, gia đình chị đã áp dụng KHKT vào chăm sóc ngay từ đầu vụ, đồng thời chủ động chăm bón, tìm cách hãm cam chín muộn hơn để bán đúng vào dịp Tết. Dịp Tết năm ngoái cam cho gia đình chị Giang thu về trên 200 triệu đồng.
Bà Thái Thị Tố - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khai Sơn (Anh Sơn) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Khai Sơn có gần 10 ha cam bù sen, cơ bản đã cho thu hoạch, trong đó tập trung nhiều ở các hộ gia đình ông Phạm Đắc Ngọc ở thôn 2; Ông Lê Hữu Hải, ông Lê Văn Thanh, ông Nguyễn Văn Thăng, chị Đậu Thị Giang ở thôn 9; ông Nguyễn Hữu Kim ở thôn 7…
Đặc điểm của giống cam bù sen này là có khả năng chịu bệnh, chịu hạn tốt và chịu úng tốt hơn các loại cây có múi khác. Cam chín vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Khi chín quả có màu đỏ hoặc màu vàng hoặc kết hợp đỏ và vàng. Khi bóc quả cam bù sen ra trên đầu quả có từ 80 - 85% số quả sẽ có 2 lòng (quả nhỏ phía trên đầu) hình giống như bông hoa sen. Múi cam đỏ óng được bao bọc bởi các mao mạch không bị tách rời ra như một số giống cam bù khác. Cam có vị ngọt đậm đà, hơi chua thanh, mặn, tép cam mềm và ráo, hương thơm đặc trưng, nếu ai đã một lần thưởng thức thì sẽ nhớ mãi. Quả khi chín không bị xốp một đầu như các loại cam khác. Giá thành trong vài năm trở lại đây thường giao động từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Xã Khai Sơn tổ chức ra mắt tổ hội nghề nghiệp và HTX cam bù sen. Ảnh: Thái Hiền |
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Anh Sơn cho biết: Hiện nay giống cam bù sen đã mở rộng quy mô diện tích được 23 ha tại xã Khai Sơn, sản lượng cam mỗi năm đạt trên 260 tấn/năm, doanh thu gần 20 tỷ đồng. Để bảo tồn nguồn gốc và từng bước khôi phục, phát triển thương hiệu cam bù sen làng Tri Lễ, thời gian qua, huyện Anh Sơn đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức khảo sát thực tế để theo dõi, nghiên cứu, khảo nghiệm, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của giống cam bù sen nhằm phục vụ tốt cho việc nhân giống, mở rộng diện tích.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn đã triển khai dự án xây dựng vườn ươm nhân giống cam bù sen Anh Sơn, thuộc dự án khoa học và công nghệ giai đoạn 2021- 2023, tại vườn ông Nguyễn Hữu Kim ở thôn 7, xã Khai Sơn với diện tích 500 m2, trong đó, dành riêng 150 m2 trồng 30 cây cam bù sen đầu dòng để sang năm thứ 2 lấy mắt ghép nhân giống cho các hộ trồng cây ăn quả trong toàn huyện, theo kế hoạch sẽ nhân giống 5.000 cây trồng ở 3 xã Đỉnh Sơn, Khai Sơn và Phúc Sơn với diện tích 4 ha.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Khai Sơn cũng đã thành lập HTX trồng cam bù sen với 15 thành viên tham gia, qua đó, tạo sự liên kết chặt chẽ trong quá trình tiêu thụ, giới thiệu và quảng bá sản phẩm.
Thái Hiền / Báo Nghệ An
Đăng nhận xét