ADS

Sàn giao dịch thương mại điện tử Nông sản An Tâm

Hưng Yên: Đỏ lửa lò sấy long nhãn

Hằng năm, vào vụ thu hoạch nhãn, những lò sấy long nhãn trên địa bàn Hưng Yên lại bắt đầu “đỏ lửa” vào vụ chế biến. Không khí lao động ở những vùng quê có nghề chế biến long nhãn mỗi khi vào mùa lại trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, khác với không khí nhộn nhịp những năm trước, năm nay, việc chế biến long nhãn ở các làng nghề trầm lắng hơn.

trái cây Hưng Yên, đặc sản Hưng Yên, trái cây phố Hiến, xoáy long nhãn, chế biến nhãn, long nhãn Phương Chiểu, long nhãn Thủ Sỹ, long nhãn Tiên Lữ, long nhãn Hưng Yên, long nhãn phố Hiến, long nhãn sấy khô
Nghề chế biến long nhãn tại xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên).


Xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) được xem là “cái nôi” của nghề chế biến long nhãn. Thời gian cao điểm, xã có hàng trăm hộ tham gia chế biến long nhãn, tạo việc làm cho nhiều  lao động. Mỗi vụ nhãn, toàn xã chế biến được trên 100 tấn long nhãn, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Nghề chế biến long nhãn đã trở thành nghề truyền thống, giúp nhiều hộ dân trong xã làm giàu, góp phần giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động nông nhàn trong và ngoài xã. Tuy nhiên, về Phương Chiểu mùa nhãn năm nay, chúng tôi cảm nhận được không khí làng nghề im ắng, vắng vẻ hơn so với mọi năm.


Đồng chí Nguyễn Văn Lũy, Chủ tịch UBND xã Phương Chiểu cho biết: Trung bình 1 ngày, 1 lò chế biến được khoảng 1,2 - 1,3 tấn nhãn tươi. Để nghề chế biến long nhãn phát triển, xã tạo điều kiện để các hộ chế biến được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền cho các hộ chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tạo dựng uy tín, thương hiệu cho sản phẩm long nhãn Phương Chiểu. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của các lò sấy long nhãn trong xã giảm so với trước. Mọi năm, vào vụ nhãn, trong xã có 100 - 150 hộ chế biến long nhãn, năm nay chỉ còn khoảng 30 – 40 hộ đang hoạt động. 


Tại Hợp tác xã nhãn lồng Phương Thượng, xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên), hơn 10 ngày nay, 6 lò sấy long nhãn của hợp tác xã luôn hoạt động hết công suất. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào, hợp tác xã thu mua nhãn của thành viên, người dân trong xã và các địa phương trong tỉnh về chế biến. Hàng ngày, xe của hợp tác xã chở nhãn tới các điểm xoáy long sau đó thu gom về sấy, sản lượng 4 - 5 tạ long nhãn thành phẩm/ngày.


Để có một mẻ long nhãn thơm ngon đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo của người làm nghề. Theo đó, long xoáy xong được xếp cẩn thận vào phên lưới rồi đưa vào lò sấy khô bằng nhiệt. Tùy theo nhiệt độ cao, thấp, long nhãn khô có màu vàng cánh gián đặc trưng được đưa ra khỏi lò, sau đó được sàng lọc và đóng gói cẩn thận để xuất bán. Một số hộ làm nghề chế biến long nhãn trên địa bàn tỉnh cho biết, vụ này giá nhãn nguyên liệu làm long rẻ hơn so với mọi năm, nguồn nhân công lao động dồi dào, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhãn nguyên liệu vận chuyển về địa phương khó khăn nên nhiều lò sấy long không chủ động được nguồn nhãn nguyên liệu đầu vào, sản lượng giảm hơn so với mọi năm. 

trái cây Hưng Yên, đặc sản Hưng Yên, trái cây phố Hiến, xoáy long nhãn, chế biến nhãn, long nhãn Phương Chiểu, long nhãn Thủ Sỹ, long nhãn Tiên Lữ, long nhãn Hưng Yên, long nhãn phố Hiến, long nhãn sấy khô
Long nhãn sấy khô Hưng Yên.


Đồng chí Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có hơn 120 hộ dân làm nghề chế biến long nhãn. Để các hộ làm nghề chế biến long nhãn bảo đảm vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm thông điệp “5K”; khử khuẩn hàng hóa trước khi vận chuyển… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh để người dân hiểu và thực hiện.


Nghề chế biến long nhãn không chỉ tạo thu nhập cho chủ cơ sở chế biến, mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Chị Ngô Thị Thúy, thôn Tất Viên, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) cho biết: Hằng năm, đến vụ nhãn, tôi lại tranh thủ thời gian nhận xoáy long nhãn thuê. Tuy chỉ là nghề thời vụ nhưng mang lại thu nhập khá. Năm nay, tôi nhận xoáy long nhãn tại nhà vừa tranh thủ làm việc nhà vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Một cân nhãn quả tươi sau khi được bóc vỏ, xoáy hạt tiền công nhận được là 4.000 đồng, một ngày tôi có thể bóc được từ 40 đến 50kg quả tươi, bình quân thu nhập 100 – 200 nghìn đồng/ngày. 


Hiện nay, sản phẩm long nhãn của một số hợp tác xã trong tỉnh Hưng Yên đã được chứng nhận sản phẩm OCOP, góp phần giới thiệu, quảng bá thương hiệu, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Để tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm long nhãn, thời gian tới, ngành chức năng, địa phương và các hộ chế biến long nhãn trong tỉnh cần tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, sàn thương mại điện tử, tham gia chương trình OCOP... Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền cho người lao động bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.


Làm long nhãn, giải pháp tiêu thụ thời Covid

Minh Hồng | Báo Hưng Yên

Bình luận

أحدث أقدم

Vietnam Logistics and Aviation School

Chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản miền Tây tươi - sạch - ngon