Nhiều người trồng bơ ở núi Dài (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) phấn khởi vì năm nay cây bơ cho năng suất cao, được giá. Nhiều hộ nhờ thu hoạch bơ mà có thêm nguồn thu nhập khá, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Mùa bơ ở núi Dài bắt đầu từ tháng 5 - 7 dương lịch hàng năm, thường thì đầu và cuối mùa giá bơ khá cao. |
Nhân rộng giống bơ Tây Nguyên
Với mảnh vườn trên núi Dài, nhiều năm nay, ông Nguyễn Hùng Dũng (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) mở rộng diện tích canh tác bơ để tăng thu nhập cho gia đình. Ban đầu, ông chọn lựa hạt của những trái bơ mà gia đình mua về ăn thấy ngon, đem trồng thử. Ông cũng tìm đến nhà người quen xin những hạt giống bơ có chất lượng về trồng với cây tạp trên núi. Sau hơn 5 năm, vườn bơ nhà ông Dũng đã cho thu hoạch. Từ đây, ông tiếp tục chọn lọc những giống bơ ngon để trồng, phát triển vườn bơ trên 200 cây.
Trái bơ ông Dũng trồng nhìn qua không mấy bắt mắt, vỏ sần sùi nhưng khi chín, vỏ mỏng, thịt dày, có màu vàng nhạt, ăn thơm ngon và béo. Khách hàng biết tiếng tìm đến tận nhà thu mua, nhiều lúc gia đình không có đủ để bán. Hơn 10 năm nay, năm nào vườn bơ của gia đình ông Dũng cũng thu hoạch từ 3 - 4 tấn, giá bình quân từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, thu về từ 30 - 40 triệu đồng/năm. Riêng năm nay, bơ đậu trái nhiều hơn những năm trước, bơ ngon nên được giá hơn, bình quân từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
“Năm nay, vườn bơ của gia đình tôi nói riêng và các hộ khác trong vùng cho năng suất rất cao. Quá trình canh tác, tôi tích cực tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bơ từ những người có kinh nghiệm ở địa phương. Nhờ vậy, bơ sinh trưởng và phát triển tốt trên đất núi, chỉ mới 3 năm đã cho trái chiến. Mọi năm, khách hàng vào tận nhà thu mua. Năm nay do dịch bệnh, nên bơ núi phải đem bán ở chợ. Hy vọng năm tới, gia đình tôi sẽ có nguồn thu khá hơn từ vườn bơ” - ông Nguyễn Hùng Dũng kỳ vọng.
Từ những năm 2000, nhiều hộ dân ở bến Ô Vàng (thuộc núi Dài) đã khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nông dân đã lựa chọn những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao về trồng trên đất núi, trong đó có cây bơ. Toàn xã Lê Trì hiện canh tác khoảng 5,2ha bơ, được trồng nhiều ở bến Ô Vàng và bến Bà Chi của núi Dài. Có hộ trồng nhiều từ 1 - 2ha, hộ trồng ít cũng 1 - 2 công đất (1.000m2/công). Cũng có nhiều hộ chỉ trồng vài ba cây, nhưng đến mùa vẫn có trái để làm quà biếu cho người thân và bán kiếm thêm thu nhập. Giống bơ chủ yếu được người dân đưa từ vùng Đắk Lắk, Lâm Đồng về trồng và nhân rộng, phần lớn là bơ sáp và giống bơ 304.
Bơ núi Dài nổi tiếng ngon, được nhiều người ưa chuộng. |
Được khách hàng ưa chuộng
Mùa bơ ở núi Dài bắt đầu từ tháng 5, kéo dài đến tháng 8 hàng năm, thường thì đầu và cuối mùa giá bơ khá cao. Vì bơ là loại trái được nhiều người ưa thích nên người trồng bơ ở núi Dài rất ít khi bị ép giá và thất thu. Những hộ trồng bơ số lượng nhiều được thương lái tìm đến tận vườn thu mua hái trái. Đối với những hộ trồng ít thì tự hái rồi đưa ra các chợ địa phương bán. Năm ngoái, mặc dù bơ không được mùa nhưng giá bơ khá cao, giúp người dân yên tâm trồng và có thể nhân rộng diện tích. Năm nay, trái bơ vừa được mùa, vừa được giá.
Chị Ngô Hà Mai Châu (công tác tại huyện Tri Tôn), thông tin: “Cứ đến mùa bơ là tôi và một số chị em trong cơ quan tìm đến những nhà vườn trồng bơ trên núi Dài để được tận tay lựa chọn những cây bơ có trái ngon, béo, dẻo. Được thưởng thức bơ chín tại vườn, rất là thú vị. Thấy bà con trèo hái bơ cũng vất vả nhưng bù lại, cây bơ tạo nguồn thu nhập khá. Nhà vườn phải chuẩn bị dụng cụ hái, tránh trái rơi xuống đất bị dập. Thương bà con nhà vườn trồng ra những sản phẩm vừa ngon, vừa sạch, lại nâng niu từng trái trước khi đến tay người tiêu dùng”.
Do khí hậu và thổ nhưỡng núi Dài, núi Cấm khá phù hợp với cây bơ nên người dân đã đưa vào trồng và đang có hướng nhân rộng loại cây này. Từ việc trồng bơ nhỏ lẻ với mục đích tự cung, tự cấp, người dân nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng và mở rộng diện tích để tăng thu nhập. Thời gian qua, các cơ quan chức năng xã Lê Trì đã quy hoạch lại vùng trồng cây ăn trái đất núi, trong đó có cây bơ. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên trồng độc canh một loại cây, mà lựa chọn một số cây phù hợp đưa vào trồng để tránh rủi ro. Nhiều hộ còn trồng xen canh cây bơ với sầu riêng, bưởi da xanh... tạo hướng đi mới trong phát triển cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái, tăng thu nhập cho bà con vùng núi.
Nông dân trồng bơ trên núi Dài cần được hỗ trợ về cây giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc bơ đúng cách, đồng thời liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Qua đó, giúp bà con vùng núi yên tâm mở rộng diện tích, phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm.
NGÔ CHUẨN | AN GIANG ONLINE
إرسال تعليق