Năm 2017, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa được dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) hỗ trợ xây dựng mô hình trồng sim lấy quả trên diện tích gần 14ha đất gò đồi. Sau 3 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Vườn sim của gia đình ông Trương Văn Tình, thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng |
Với sự hỗ trợ của dự án SRDP, xã Cao Quảng đã thành lập 3 tổ hợp tác trồng sim với 50 hộ gia đình tham gia. Riêng tổ hợp tác trồng sim ở thôn Sơn Thủy có 22 hộ với tổng diện tích 5ha.
Gia đình ông Trương Văn Tình được phân 3 sào đất, trồng gần 2.000 gốc sim. Ông Tình cho biết: “Do chưa có cây giống nên trước đây chúng tôi tự vào rừng đào gốc sim tự nhiên về trồng rồi chăm bón. Cây sim phù hợp với đất đồi nên phát triển nhanh, sau 3 năm trồng đã phủ kín diện tích. Năm nay là năm thứ 2 gia đình tôi thu hoạch sim quả, năng suất, sản lượng cao hơn hẳn năm trước, ước tính thu nhập từ bán sim trên 10 triệu đồng. So với trồng cây keo, hiệu quả từ trồng sim cao gấp 5 lần trên một đơn vị diện tích”.
Cùng tổ hợp tác với ông Trương Văn Tình, trước đây bà Nguyễn Thị Dũng cũng như nhiều hộ dân khác ở thôn Sơn Thủy còn nghi ngờ về hiệu quả của dự án trồng sim, nhưng sau 3 năm trồng và thu hoạch, nhận thấy giá trị kinh tế của cây sim mang lại rất cao nên mong muốn tiếp tục mở rộng diện tích.
Bà Dũng tâm sự: “Ở đây ai cũng có vài héc-ta đất trồng keo nhưng giá trị kinh tế từ trồng keo không bằng trồng sim nên sắp tới chúng tôi sẽ xin chuyển đổi một phần diện tích sang trồng sim”.
Một người dân xã Cao Quảng đang thu hoạch sim. |
Ngoài diện tích 14ha sim thuộc 3 tổ hợp tác (Sơn Thủy, Quảng Hòa, Chùa Bụt), hiện trên địa bàn xã Cao Quảng còn có khoảng 5ha sim do người dân tự khoanh nuôi, bảo vệ. Tổng sản lượng sim quả thu hoạch mỗi năm ước tính trên 45 tấn. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng rưỡi, cứ cách 1 ngày thì người dân lại lên đồi hái sim một lần. Giá sim quả hiện nay dao động từ 25 đến 30 ngàn đồng/1kg, thu hoạch được chừng nào thương lái thu mua hết chừng đó.
Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng cho biết: Hiệu quả từ cây sim mang lại rất rõ rệt, với gần 20ha sim trên địa bàn toàn xã, mỗi năm mang lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng, người dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của cấp ủy, chính quyền. Thời gian tới, xã Cao Quảng sẽ tiếp tục xem xét chuyển đổi một số diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng sim, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Có thể nhận thấy mô hình trồng sim lấy quả trên vùng đất gò đồi đang là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân không chỉ trên địa bàn xã Cao Quảng, mà còn phù hợp với nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, về lâu dài cần có chủ trương, định hướng phát triển mô hình một cách bền vững, tránh tình trạng phát triển ồ ạt. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần làm tốt vai trò cầu nối giữa người dân với doanh nghiệp, tạo thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Văn Tư | Báo Quảng Bình
إرسال تعليق