Những khó khăn của mặt hàng nông sản đến ngày thu hoạch chưa tìm được đầu ra, do đó, việc kết nối, tiêu thụ nông sản cho người dân lúc này rất cần thiết để giải quyết vấn đề ùn ứ nông sản.
Ông Cao Văn Đào, ngụ ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ với diện tích 2,5 ha nhãn, dự kiến thu hoạch được khoảng 60 tấn nhãn. |
Với việc thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, một số mặt hàng nông sản của người dân miền Tây không có thương lái thu mua dẫn tới tình trạng ùn ứ, ví như hơn 1.600 tấn nhãn ở Cần Thơ chưa thể tìm đầu ra, hàng trăm ha chuối chín phải chặt bỏ và còn rất nhiều mặt hàng nông sản sản khác của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ách tắc trong khâu tiêu thụ.
Với diện tích khoảng 2,5 ha nhãn đang bước vào vụ thu hoạch nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như việc vận chuyển khó khăn nên thương lái không vào thu mua. Ông Cao Văn Đào, ngụ ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ cho biết, những vụ trước thương lái đến tận vườn để thu mua vận chuyển lên các chợ đầu mối ở TP.HCM để bán. Giờ do ảnh hưởng dịch Covid-19, chợ đóng cửa, vận chuyển hàng hóa khó khăn nên số lượng thu mua cũng hạn chế, trong khi sản lượng lại lớn.
Với 2,5 ha, tiền đầu tư mất khoảng 400 triệu, ước sản lượng thu hoạch khoảng 60 tấn, nhưng do nhãn chín mà không có thương lái thu mua đã bị rụng khoảng 30 - 40%. Ông Cao Văn Đào mong muốn, làm sao bán hết được nhãn để gỡ gạc tiền vốn bỏ ra, để có tiền đầu tư cho vụ nhãn tiếp theo.
“Theo ước tính hàng năm thu hoạch khoảng 60 tấn, bây giờ giá nhãn chỉ có 8.000 đồng/kg không được bao nhiêu tiền. Vốn đầu tư tôi ước tính khoảng 400 triệu đồng. Trước đây, không bao giờ tôi đi giao 10 – 20 kg nhãn, giờ có người mua 20 kg tôi cũng phải chạy xe giao hàng, bán được đồng nào hay đồng đó” - ông Đào nói.
Hiện tại, đầu ra cho quả nhãn khó khăn khi số lượng mua ít, người dân đang bán nhãn với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, đối với thanh nhãn từ 20.000 - 22.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường sông Hậu cho biết, diện tích cây ăn trái của nông trường khoảng 3.400 ha, trong đó xoài cát Hòa Lộc với diện tích gần 1.900 ha, nhãn, mãng cầu, chuối, mít cũng chiếm diện tích lớn.
Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho rằng, riêng diện tích nhãn có khoảng 400 ha, đợt này thu hoạch diện tích khoảng 200 ha với sản lượng 1.600 tấn. Tuy nhiên, thương lái thu mua với số lượng hạn chế cũng khó khăn cho người dân; trong khi chu kỳ thu hoạch từ 10 - 15 ngày, nếu thu hoạch không được sẽ phải bỏ.
Ông Nguyễn Thanh Phú cũng thông tin, ngoài diện tích nhãn đang thu hoạch thì Nông trường sông Hậu có khoảng 240 ha chuối cây mô chủ yếu phục vụ xuất khẩu, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua không xuất được nên mỗi ngày cũng phải bỏ đi khoảng 5 tấn chuối.
“Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì mình bắt đầu siết lại thì khâu lưu thông bị nghẽn. Do vậy, trên địa bàn bắt đầu vào vụ thu hoạch nhãn diện tích tương đương khoảng 400 ha, thu hoạch vụ 50% diện tích, khoảng 200 ha từ giờ cho đến tháng 8, bình quân 8 tấn/ha thì khoảng 1.600 tấn nhãn, sản lượng rất là lớn. Do vậy, nếu tình hình này mình không có những giải pháp cho cụ thể thì rất là khó tiêu thụ sản lượng của bà con, đặc biệt là cây nhãn chưa nói đến cây trồng khác, giờ không bán được coi như bỏ” - ông Phú cho biết.
Phó chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, ông Nguyễn Hoàng Nhiệm cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên thương lái không đến thu mua, nông sản còn nhiều, nhất là diện tích nhãn đến ngày thu hoạch. Trước tình hình hiện tại, xã Thới Hưng đã báo cáo huyện Cờ Đỏ để có phương án, giải pháp tiêu thụ cho người dân, tránh tình trạng nông sản ùn ứ.
“Dịch Covid-19 hiện nay, qua thống kê của xã còn lại diện tích cây nhãn, đầu ra không có, thương lái không đến mua, chỉ có một số vườn cũng có bán nhỏ lẻ. UBND xã cũng có báo cáo gửi về huyện về tình hình nông sản trên địa bàn khó khăn do dịch Covid-19, không có người thu mua” - ông Nhiệm nói.
Khoảng 200 ha nhãn ở Nông trường sông Hậu sẽ thu hoạch từ nay đến tháng 8. |
Không riêng ở Cần Thơ mà một số mặt hàng nông sản của các địa phương khác trong vùng ĐBSCL cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm nơi tiêu thụ. Huyện Châu Thành có diện tích nhãn lớn của tỉnh Đồng Tháp, nếu như trước đây bước vào vụ thu hoạch thì thương lái đến tận nhà thu mua để mang đi các chợ đầu mối để tiêu thụ. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, chợ đóng cửa, lưu thông hàng hóa khó khăn, các địa phương thực hiện Chỉ thị số 16 để phòng, chống dịch cũng đã khiến nhiều mặt hàng nông sản khó tìm đầu ra.
Ông Võ Đình Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, địa phương đã xây dựng kế hoạch để tìm đầu ra cho nông sản, trong đó tập trung tiêu thụ nhãn, khoai lang và chanh cho các hộ dân. Hiện sản lượng nhãn thu hoạch trong tháng 7 gần 400 tấn, ngành nông nghiệp huyện đã kết nối với siêu thị để đưa sản phẩm bán đến tay người tiêu dùng.
“Vấn đề nếu được phân luồng xanh thì thương lái tại chỗ và thương lái các nơi, thương lái nhỏ vẫn mua cũng tương đối khá. Ùn ứ không lớn, giá thì cũng thấp, cũng từ 5.000 - 9.000 đồng/kg, chỉ đi một lượng hàng được đưa tới Big C".
Tìm giải pháp để tiêu thụ nông sản cho người dân
Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ Hà Vũ Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn còn nhiều mặt hàng nông sản của người dân đến thời điểm thu hoạch, trong đó diện tích nhãn chiếm số lượng lớn, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. Sở đang phối hợp với các địa phương bàn phương án để có giải pháp tiêu thụ nông sản cho người dân trong thời gian tới. Đồng thời, kết nối với các cửa hàng, siêu thị để tiêu thụ nông sản cho người dân, đã có những cửa hàng cam kết tiêu thụ sản phẩm nhãn cho người dân với số lượng khoảng 80 tấn.
“Tìm các giải pháp hỗ trợ tích cực cho bà con, sản lượng các nông sản trên địa bàn Cần Thơ không lớn, hiện nay chỉ có nhãn là nhiều. Sở Công Thương đang tích cực để phối hợp với Phòng Kinh tế Hạ tầng các quận, huyện tổ chức các điểm bán để phục vụ cho bà con trên địa, giải pháp trước mắt là vậy” - ông Sơn nói.
Trước những khó khăn của mặt hàng nông sản đến ngày thu hoạch chưa tìm được đầu ra như hiện nay, việc kết nối, tiêu thụ nông sản cho người dân lúc này rất cần thiết để giải quyết vấn đề ùn ứ nông sản, đảm bảo cung ứng kịp thời đến những nơi đang thiếu hụt. Hiện đã có một số địa phương bắt đầu triển khai xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản bằng hình thức trực tuyến, giải quyết những mặt hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch đang chờ “giải cứu”, giúp người dân an tâm sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL
إرسال تعليق