Mô hình trồng bưởi áp dụng công nghệ cao của hộ ông Lê Đình Quang, xóm 5, xã Gia Hưng là một trong những mô hình tiêu biểu, bước đầu thành công do ứng dụng công nghệ vào trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Gia Viễn.
Mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ mới cho năng suất cao. |
Tiếp chúng tôi tại vườn cây của nhà mình, ông Quang vui vẻ giới thiệu từng loại cây, từng năm trồng, số quả thu hoạch hàng năm và lợi nhuận thu được bằng tất cả niềm say mê với sản xuất nông nghiệp.
Ông Quang cho biết, từ hơn 40 năm trước, ông đã mạnh dạn xin đấu thầu với xã mảnh đất rộng hơn 3 ha để sản xuất nông nghiệp. Những năm đầu, ông bỏ công sức ra khai hoang, cải tạo đất, trồng các cây như: xoài, nhãn nhưng hiệu quả đem lại không cao. Năm 2015, ông bắt đầu cho trồng bưởi diễn, đến năm 2017 ông trồng thêm bưởi da xanh và bơ xen lẫn.
Thời gian đầu, cây bưởi cho quả với số lượng ít, thu nhập không cao. Từ năm 2018 trở đi, do ứng dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ vào việc chăm sóc, vườn cây của ông Quang cho thu hoạch nhiều hơn, mỗi năm vài ngàn trái bưởi; bưởi diễn nhà ông đã bắt đầu được người tiêu dùng và thương lái biết đến, nên thu nhập đã khá hơn.
Đến nay, trên diện tích hơn 3 ha, ông Quang trồng hơn 600 gốc bưởi (bưởi diễn và bưởi da xanh) và một số cây ăn quả khác như bơ, nhãn, xoài. Dự kiến sản lượng cho thu hoạch năm 2021 ước đạt 10.000 trái bưởi. Giá bưởi bán vụ trước dao động khoảng 15.000 - 40.000 đồng/quả, vào gần tết giá có thể lên cao hơn, hứa hẹn mùa bội thu.
Ngoài ra, sau gần 4 năm trồng hơn 200 cây bơ đã bắt đầu cho ra quả nhiều, với giá dao động 15.000 - 20.000/kg. Dự kiến, năm nay trang trại cây ăn quả của ông Quang sẽ cho thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng/ha.
Nói về thành công của mô hình trồng bưởi của mình, ông cho biết: Ngoài sự cố gắng của bản thân phải kể đến sự hỗ trợ tích cực của công nghệ, bởi theo ông muốn thành công bền vững phải có đầu tư, nhất là đầu tư vào công nghệ.
Năm 2020 mô hình sản xuất của gia đình ông Quang được Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh hỗ trợ, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ cao. Sau khi đưa vào sử dụng đã chủ động trong việc giữ độ ẩm, bón phân vô cơ cho vườn cây, đặc biệt tiết kiệm được 80% công lao động tưới nước, phân.
Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tham quan mô hình trồng bưởi công nghệ cao của ông Quang. |
Theo ông Quang, việc tăng cường tự động hóa giúp ông có thể tiết giảm chi phí đầu vào và chi phí thuê nhân công. Tuy nhiên, để sử dụng tốt các loại máy móc, ban đầu trang trại phải có sự tính toán, quy hoạch phù hợp, như việc phân thành các khu vực cây trồng, khi trồng cần tạo luống, có khoảng cách hợp lý, mỗi cây cách nhau từ 3m - 5m để cây phát triển.
Để nắm bắt kiến thức, hàng năm ông đều dự 2,3 đợt tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả do các cơ sở bồi dưỡng nông nghiệp triển khai. Nhờ được tập huấn, biết rõ đặc tính của các cây trồng, ông đã thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăm cây: Tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, kích thích ra hoa, thụ phấn bổ sung, bao bọc bưởi..
Chia sẻ về đặc điểm cây bưởi diễn, ông Quang cho biết: Cây bưởi khá phù hợp với đất và khí hậu nơi đây nên sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, quả có mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm, đặc biệt quả chín đúng vào dịp Tết nên có giá bán cao. Quả có thể bảo quản trong điều kiện bình thường đến 2 tháng sau khi thu hoạch nên được thị trường ưa chuộng.
Ngắm trang trại rộng lớn với các loại cây ăn quả được thiết kế bài bản, địa hình được bao bọc giữa các đồi núi và hồ. Ông Quang cho biết, ông đang có ý tưởng sẽ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Khi đến đây, du khách sẽ cảm nhận sự gần gũi với thiên nhiên, tự tay chọn và hái các loại quả tại vườn.
Thành công bước đầu của mô hình trồng bưởi công nghệ cao của gia đình ông Lê Đình Quang đã cho thấy hiệu quả tích cực của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Hoàng Hiệp| Báo Ninh Bình
إرسال تعليق