Những ngày này, đến Bản Lầu, nơi được coi là “thủ phủ” cây dứa của huyện Mường Khương, đâu đâu cũng bắt gặp nụ cười tươi như nắng của những nông dân vừa trúng lớn. Cả những quả dứa trên nương cũng căng mọng như mở những chiếc mắt tròn xoe, ngơ ngác nhìn nhau: Ơ kìa, năm nay chúng mình được giá!
Nông dân Bản Lầu thu hoạch dứa. |
Sau những ngày đông tháng giá, vùng đất trên rẻo cao Mường Khương bắt đầu đón nắng ngọt. Những tia nắng vàng như rót mật, đánh thức những quả dứa cựa quậy mở mắt trên những triền dốc. Qua một mùa sương, đón một mùa nắng, dứa tích đủ đường, đủ nước và dậy thứ mùi thơm dịu ngọt. Những chiếc lù cở nằm im trên gác được nông dân mang xuống kiểm tra thật kỹ các mối thắt, gia cố lại những vết đan lỏng rồi chuẩn bị đồ đạc lên nương bẻ dứa.
Mới sáng, chị Thào Thị Dua, thôn Na Lốc 3 đã hớt hải chạy đi chạy lại trong nhà, tay bấm điện thoại, nghe, gọi liên tục để hối người đi hái dứa. Hôm nay có xe của tư thương đến mua dứa nhà chị. Cả nương dứa chừng 4 vạn cây bắt đầu chín, để lâu sợ “quá lứa” nên phải hái bán cho nhà máy. Để thu hoạch đồng loạt cho xe, chị Dua thuê 6 người bẻ và gùi dứa, tiền công được trả theo sản phẩm, mỗi kg dứa trả 700 đồng. Chị Dua bảo: Nương nhà mình không quá xa, cũng không gần đường lắm, nên công 700 đồng/kg. Nương càng xa đường lớn, đường càng khó đi thì công gùi dứa càng cao. Thường thì ở mức 500 đồng đến 1.000 đồng/kg dứa. Người vùng cao gùi dứa quen rồi, gùi khỏe lắm. Có người gùi được 150 kg mỗi chuyến, mỗi ngày gùi cả tấn dứa, thu về cả triệu đồng tiền công.
Dứa nhà chị Dua bán cho tư thương mua gom về nhà máy chế biến rau, quả. Được chăm sóc tốt nên dứa nhà chị thuộc “loại 1”, mỗi quả dứa nặng gần 1 kg, giá bán 7.000 đồng/kg. Cả nương dứa bán đi, chị thu về khoảng 250 triệu đồng. Thu hoạch dứa vất vả là thế, những chiếc gai dứa đâm tua tủa trên bộ quần áo dày cộp, trên đôi găng tay xước lởm chởm mà nụ cười chị Dua vẫn tươi rói. Chị Dua phấn khởi: Năm nay được mùa, lại còn được giá!
Những quả dứa căng tròn tưởng như thổi vào nhịp sống người dân biên giới Bản Lầu nguồn năng lượng mới. Những chuyến xe tải cứ nối đuôi nhau, người bán, người mua, người làm “phu” dứa, ra - vào tấp nập, ai cũng cười rạng rỡ vì trúng lớn.
Sở dĩ niềm vui ấy lớn tới vậy cũng bởi mùa dứa những năm gần đây, giá thấp kỷ lục. Có những năm, dứa trên nương chỉ được 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg, thậm chí chẳng có ai thu mua, bỏ chín thối trên nương. Cây dứa từng là cây giúp nông dân vùng biên Bản Lầu thoát nghèo, nhiều hộ giàu lên từ cây dứa. Vậy nhưng những năm ấy, dứa được hay mất giá hoàn toàn phụ thuộc vào bạn hàng phía Trung Quốc, vì đây là thị trường tiêu thụ chính của loại quả này.
Kể từ năm 2020, “gáo nước lạnh” Covid-19 khiến nhiều hộ trồng dứa ôm “trái đắng” khi dứa rớt giá thê thảm vì bạn hàng quen thuộc không thể tới thực hiện giao dịch. Thị trường tiêu thụ chuyển hướng sang nội địa, quả dứa được đưa đến những nhà máy chế biến trong nước. Gần đây, một nhà máy chế biến rau, quả được xây dựng tại xã Lùng Vai, ngay gần vùng trồng dứa, tạo nên “cú hích” cho sự tăng giá bất ngờ này. Dứa được thu mua với giá 5.500 đồng đến 7.000 đồng/kg. Dứa bán lẻ lập nên “kỷ lục mới”, giá từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 15.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần vụ dứa năm trước.
Giá dứa bán lẻ có thời điểm lên tới 15.000 đồng/kg. |
Tại “chợ dứa” khu vực ngã ba Na Lốc - Bản Lầu, những sạp hàng bán lẻ dứa năm nay giảm đáng kể. Lý do người dân phần lớn “bán xô” cho nhà máy, chỉ những gia đình có diện tích nhỏ mới bán lẻ cho du khách và người dân địa phương.
Thấy những chiếc xe máy đi chậm chậm gần khu “chợ dứa”, chị Trương Kim Hoa, thôn Na Mạ 1 mời gọi, báo giá từng loại dứa với đủ loại kích thước, chị Hoa bảo: Được giá thế này bán mới “sướng”, chứ như năm ngoái 2.000 đến 3.000 đồng/kg, có hôm ngồi bán cả ngày được có 100.000 đồng. Bán lẻ thì được giá hơn, nhưng ai có ít mới ngồi bán lẻ lấy công làm lãi, chứ nhà nào nhiều bán hết cho nhà máy, dành thời gian còn trồng vụ mới.
Gia đình bà Lý Thị Hòa, thôn Na Mạ 1 năm nay cũng trúng lớn từ cây dứa. Vì không có nhân công cho thu hoạch nên ngay đầu mùa dứa, bà bán “vo” cả nương dứa 7 vạn cây cho thương lái, nhận về 250 triệu đồng. Những năm trước, dứa mất giá, bán chẳng ai mua, bà vừa trông cháu nội vừa thu hái dứa, con dâu và con trai thì chở dứa xuống Lào Cai bán rong vớt vát tiền phân bón. Có năm may mắn hơn thì mảnh nương ấy gia đình bà thu được 100 triệu đồng.
Thế mà năm nay, cũng bằng ấy dứa, bà thu về số tiền lớn, rảnh rang ngồi nhà bế cháu, rồi cả gia đình thảnh thơi đi du lịch khắp nơi. “Những năm trước bán dứa khó lắm, đâu có dễ như bây giờ. Nông dân mà, nhà lấy đâu ra ô tô, cứ xe máy mà chở, mỗi xe 2 cái sọt lớn 2 bên đi bán ở Lào Cai, mỗi ngày 1 đến 2 tạ, dứa không bán được thì bẻ về cho gà, ngan, cá ăn. Vất vả vô cùng! Nhiều hộ trồng dứa chuyển sang trồng loại cây khác rồi, nhà tôi cũng chuyển một phần. Vậy mà năm nay được giá, cao nhất từ trước tới giờ, nhiều người quay lại trồng dứa”, bà Hòa bộc bạch.
Trên những triền đồi, những nương dứa sau thu hoạch nhanh chóng được phát dọn để bắt đầu vào một mùa dứa mới. Ngoài Bản Lầu, cây dứa cũng điểm mặt tại các xã Lùng Vai, Bản Xen. Đặt câu hỏi “Có sợ năm sau mất giá không?” với bà Hòa, chị Dua, ai cũng dứt khoát lắc đầu: “Không sợ nữa, có nhà máy chế biến ở gần đây, nông dân ký hợp đồng với nhà máy rồi. Trước đây chủ yếu bán cho thị trường Trung Quốc, nên năm được năm mất, giờ thì không lo vì không chỉ nhà máy nằm ở huyện đâu, mà nhà máy ở các tỉnh khác giờ đây cũng biết đến dứa của Mường Khương, thêm nhiều bạn hàng lắm”.
Câu chuyện “được mùa, mất giá” những năm trước đây đã mang về cho nông dân Mường Khương bài học lớn về liên kết sản xuất. Bởi vậy, trồng dứa không đơn thuần là sản xuất tự phát nữa, mà nông dân liên kết với doanh nghiệp, trồng theo quy trình sản xuất an toàn, chủ động rải vụ để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Từ loại cây trồng tự phát, đầy rẫy bất an bởi sự thiếu ổn định từ bạn hàng nước ngoài, cây dứa tiếp tục bén đất, ra những mùa trái ngọt, mang về những mùa vui.
Đăng nhận xét