Từ nguồn hỗ trợ của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, nhiều hộ dân tại 5 xã: Kon Chiêng, Kon Thụp, Đê Ar, Đak Trôi và Lơ Pang (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đang dần khấm khá nhờ trồng dứa Queen.
Dứa trồng xen trong vườn cây ăn quả của ông Trần Xuân Bách (làng Ktu, xã Kon Chiêng). Ảnh: Nguyễn Diệp |
Kon Chiêng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang. Cách đây 2 năm, từ nguồn vốn của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, các hộ dân nơi đây được hỗ trợ giống dứa Queen để trồng trên những diện tích hồ tiêu bị chết do dịch bệnh hoặc kém hiệu quả.
Gia đình ông Trần Xuân Bách (làng Ktu) là một trong những hộ hưởng lợi từ dự án này. Ông Bách phấn khởi cho biết, cuối năm 2018, ông được hỗ trợ giống dứa Queen để trồng 4 sào theo hướng thâm canh. Ông cũng đầu tư trồng xen thêm 2 sào dứa dưới tán cây ăn quả. Đến nay, ông đã thu hoạch bán được 2 đợt quả.
Ngoài thu mua quả, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai còn thu mua chồi dứa để làm giống. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông lãi hơn 170 triệu đồng từ việc bán quả và chồi giống. “Sau khi cây hồ tiêu chết hàng loạt, cây dứa được coi như là cứu cánh của người dân. Nếu đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, chăm sóc tốt thì lợi nhuận mang lại có thể cao hơn nữa”-ông Bách nói.
Theo tính toán của người dân, để trồng 1 sào dứa cần khoảng 5 ngàn chồi giống. Chi phí đầu tư cũng chỉ mất 4 tạ phân Urê và Kali/sào nhưng thu hoạch được nhiều lần và đến 2 năm mới phá bỏ trồng lại. So với các loại cây trồng khác thì thu nhập từ cây dứa cao hơn rất nhiều, nhất là tiền bán giống. Đặc biệt, nếu người dân thu hoạch đồng loạt từ 5 tấn quả trở lên thì Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai sẽ đưa phương tiện vào tận nơi thu mua.
Bà Nguyễn Thị Lừng (làng Ktu) cho biết: “Sau khi 4 ngàn trụ hồ tiêu bị chết bởi dịch bệnh, tôi trồng thử 6 sào dứa Queen trên diện tích này. Hiện nay, dứa chín tới đâu thu hoạch bán tới đó, giá mỗi quả 9-10 ngàn đồng. Cây dứa đang là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình tôi”.
Ông Yich (bên trái) cùng cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Lơ Pang kiểm tra vườn dứa. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 5 xã phía Đông sông Ayun cũng đang phát triển cây dứa. Ông Yich-Trưởng thôn Hlim (xã Lơ Pang) cho hay: Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ giống dứa Queen và tập huấn kỹ thuật canh tác. Cuối năm 2019, 30 hộ dân nhận sản xuất 7 ha dứa từ quỹ đất của làng. Đến nay, các hộ đã thu hoạch bán được hơn 2 tấn quả, lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng nhập vào quỹ chung. Nếu có nước tưới và nguồn lực đầu tư tốt thì cây dứa sẽ mang lại thu nhập ổn định hơn so với cây trồng khác.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang, toàn huyện có khoảng 83 ha dứa trồng tập trung tại 5 xã phía Đông sông Ayun. Cây dứa cho thu hoạch quanh năm, giá ổn định nên hiện nhiều hộ đang đầu tư mở rộng diện tích cũng như liên kết với Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Ông Võ Minh Quang-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho biết: Cây dứa đang mang lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân ở 5 xã: Kon Chiêng, Kon Thụp, Đak Trôi, Đê Ar và Lơ Pang. Trong định hướng phát triển cây trồng của huyện, thời gian tới, mô hình trồng dứa sẽ tiếp tục được nhân rộng sang các xã, thị trấn thông qua mối liên kết sản xuất-tiêu thụ giữa người dân và doanh nghiệp.
Dự kiến, huyện sẽ liên kết với Tập đoàn Lộc Trời trồng mới khoảng 20 ha dứa để người dân học tập. Ngoài ra, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện, năm nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng dứa để nhân rộng trong thời gian sớm nhất.
Còn ông Trần Công Quang-Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp của Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai-thông tin: Hiện nay, chúng tôi đã liên kết với hàng trăm hộ nông dân trồng dứa tại các huyện Mang Yang, Đak Đoa, Ia Pa, Ia Grai, Chư Sê. Hy vọng cây dứa sẽ gắn kết mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp để 2 bên cùng hưởng lợi.
NGUYỄN DIỆP | BÁO GIA LAI
إرسال تعليق