Với những định hướng đúng đắn, xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa, Phú Yên) đã xây dựng thành công vùng trồng cây ăn quả trên đất vườn đồi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn.
Người dân Lỗ Chài có thu nhập khá từ trồng cây ăn quả. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG |
Chuyển đổi cây trồng
Hòa Quang Bắc là xã thuần nông, lâu nay người dân địa phương chủ yếu trồng lúa nhưng chỉ canh tác được ở vùng đất bằng, hưởng nước từ hệ thống thủy nông Đồng Cam. Vì vậy, khá nhiều diện tích ở các khu vực triền dốc, đồi núi phải bỏ hoang, trồng cây lâm nghiệp hoặc chỉ canh tác được 1 vụ lúa ăn nước trời, hiệu quả kinh tế thấp. Để khai thác được vùng đất này, địa phương tìm hiểu rất nhiều mô hình sản xuất, nhiều loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện nước tưới khan hiếm. Sau một thời gian khảo nghiệm, địa phương đã chọn được mít và mãng cầu, 2 loại cây trọng điểm để phát triển vùng này.
Ông Nguyễn Minh Thân, một hộ dân đang sản xuất trên vùng đất Lỗ Chài, thôn Ngọc Sơn Tây, cho biết: Khi thấy một số gia đình trồng mít phát triển thuận lợi, gia đình tôi chuyển 1,5ha đất trồng keo sang trồng mít. Hồi đó, mít giống khó mua, bà con chủ yếu tự ương giống từ các loại mít bản địa. Nhờ phù hợp với đất, lại chịu hạn nên cây mít phát triển tốt, sau 2 năm đã bắt đầu cho trái bói, sang năm thứ ba là bắt đầu thu hoạch.
Ông Phan Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc, cho hay: Để khuyến khích bà con mở rộng diện tích canh tác, từ năm 2018 đến nay, địa phương đã triển khai mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất vườn, đất đồi sang trồng cây ăn quả với 2 loại mít và mãng cầu. Chúng tôi ra sức vận động người dân tận dụng các diện tích vườn đồi canh tác kém hiệu quả để trồng mít và mãng cầu, hướng dẫn người dân quy trình trồng và chăm sóc cây, hỗ trợ và chuyển giao những kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh tiên tiến… Từ những vườn cây rải rác, đến nay vùng Lỗ Chài đã được phủ màu xanh của các trang trại mít, mãng cầu. Toàn vùng đã có 100ha mít và mãng cầu, đặc biệt, nhờ chất đất khác biệt nên cây trái trồng vùng này có chất lượng cao, hương vị thơm ngon rất được thị trường ưa chuộng.
Cây ăn quả chủ lực ở Lỗ Chài vẫn là cây mít, cây mãng cầu. |
Hiệu quả kinh tế cao
Những ngày cuối tháng 3, các vườn mít ở Lỗ Chài bắt đầu vào mùa thu hoạch, mới đầu mùa, mít chưa chín nhiều nhưng trong vườn đã thoảng mùi thơm. Ông Nguyễn Minh Thân cho biết: Mỗi héc ta mít có khoảng 210 cây, mỗi năm cho thu hoạch 1 vụ. Bình quân, 1 cây sẽ thu hoạch khoảng 30-40 trái, mỗi trái nặng từ vài ký đến gần 20kg, giá mít khoảng 10.000-15.000 đồng/kg tùy thời điểm. Bình quân mỗi héc ta mít cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí còn lãi hơn 250 triệu đồng. Nhà tôi trồng được 1,5ha mít, mỗi năm thu được hơn 350 triệu đồng, cao gấp 6 lần so với trồng keo.
Còn theo ông Bảy Chính ở thôn Ngọc Sơn Tây, trang trại gia đình ông rộng 4ha, trong đó ông trồng được gần 2ha mãng cầu với khoảng 24.000 cây. Mỗi năm mãng cầu cho thu hoạch 2 vụ với sản lượng khoảng 10-12 tấn/ha, giá bán mãng cầu dao động từ 20.000-50.000 đồng/kg tùy kích cỡ và thời điểm. Bình quân, 2ha mãng cầu mỗi năm cho thu nhập khoảng 440 triệu đồng.
Ngoài mãng cầu, ông còn trồng được 1ha mít cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. “Trước đây, toàn bộ diện tích đất này gia đình tôi trồng cây keo phải 5 năm mới thu hoạch 1 lần, giá bán lên xuống thất thường; bình quân mỗi héc ta keo cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm, thấp hơn nhiều so với trồng cây ăn quả”, ông Bảy Chính nói.
Với mục tiêu xây dựng khu vực Lỗ Chài thành vùng trồng cây ăn quả tập trung, địa phương tiếp tục hỗ trợ bà con trồng khảo nghiệm thêm nhiều loại cây khác, đặc biệt là những quả có muối vì rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Địa phương cũng đang từng bước xây dựng thương hiệu, hướng đến mục tiêu tạo nên vùng trồng cây ăn quả an toàn sinh học, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Ông Phan Thanh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc
MIỆT VƯỜN DU LỊCH ĐỘC NHẤT PHÚ YÊN l DŨNG LỖ CHÀI
THỦY TIÊN | PHÚ YÊN ONLINE
Đăng nhận xét