Từ 1 hộ trồng, sau hơn 6 năm đã có gần 20 hộ đồng bào dân tộc Dao ở xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) trồng cây Thanh long ruột đỏ với diện tích gần 10ha. Cây Thanh long bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân nơi đây.
Vợ chồng ông Triệu Hữu Vy đang chăm sóc vườn cây Thanh long của gia đình. |
Xóm Cao phong có 360 hộ với gần 1.500 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 95%. Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã đầu phát triển mô hình trồng cây Thanh long ruột đỏ, bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của người dân.
Đến thăm vườn thanh long hơn 2.000 trụ của ông Triệu Hữu Vy, người đầu tiên đem giống Thanh long ruột đỏ về trồng ở xóm Cao Phong, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, ngưỡng mộ về ông. Nhờ có Thanh long, từ một người phải phiêu bạt khắp nơi để làm thuê nay ông đã có kinh tế khá giả ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Chia sẻ về duyên cơ với cây thanh long, ông Vy cho biết: Năm 2015 tôi được một người bạn cùng làm thuê quê ở tỉnh Thái Bình giới thiệu về cây Thanh long ruột đỏ và hiệu quả kinh tế của nó đem lại. Tôi đã quyết định về Thái Bình mua 2.000 hom giống với giá 18.000 đồng/hom về trồng được 500 trụ (mỗi trụ 4 hom). Cây Thanh long ruột đỏ rất phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng và phát triển nhanh. Sau 2 năm trồng cây bắt đầu bói quả, quả to và ngọt, trung bình mỗi trụ thu được từ 2-3 kg/ lứa .
Thành công đã đến với ông Vy, ngay vụ đầu tiên ông không những thu lại được vốn đầu tư ban đầu mà còn bỏ ra được hơn 20 triệu đồng. Thấy nguồn lợi từ cây Thanh long đem lại, những năm tiếp theo ông đã tự nhân giống và cải tạo hơn 1ha đất trồng táo và cây Ba kích kém hiệu quả sang trồng Thanh long. Đến nay, ông Vy đã có gần 2.000 trụ Thanh long ruột đỏ trên diện tích 1,5ha. Năm 2020 ông thu được trên 35 tấn quả, trừ mọi chi phí đi thu về gần 350 triệu đồng.
Cây thanh long ruột đỏ rất phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng và phát triển nhanh. |
Khi thấy ông Vy trồng cây Thanh long ruột đỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều người dân xóm Cao Phong đã đến học hỏi và mua giống về trồng. Đến nay cả xóm có gần 20 hộ trồng, trong đó có 10 hộ trồng từ 200 trụ trở lên, còn lại trồng dưới 100 trụ. Điển hình như gia đình chị Đặng Thị Phượng, một trong những hộ có số trụ Thanh long chỉ sau mỗi gia đình ông Vy.
Năm 2017, chị đã mua 2.400 hom giống của gia đình ông Vy với tổng số tiền 24 triệu đồng về trồng trên diện tích đất nền nhà cũ bỏ hoang của gia đình. Sau 5 năm gia đình chị đã có 1.000 trụ Thanh long, trong đó có 600 trụ đã cho thu hoạch được 3 năm nay, còn lại mới trồng. Chị Phượng chia sẻ: Hiện nay đầu ra cho Thanh long rất thuận lợi, sau khi thu hoạch, tôi vận chuyển lên cho các đầu mối trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Trung bình 1 kg Thanh long bán được với giá 17.000 đồng. Năm vừa qua gia đình tôi thu được 80 triệu đồng từ việc bán Thanh long.
Cây thanh long ruột đỏ đã và đang mở ra triển vọng trong phát triển kinh tế gia đình cho nhiều người dân, tuy nhiên, theo ông Triệu Văn Đồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Tiến cho biết: Mặc dù cây Thanh long ruột đỏ đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao tại xóm Cao Phong, nhưng đây vẫn là mô hình tự phát. Chính quyền địa phương và người trồng Thanh long đang triển khai thành lập một hợp tác xã về cây Thanh long, nhằm tạo thương hiệu cho sản phẩm, cũng như có được đầu ra ổn định. Qua đó sẽ nhân rộng ra trên địa bàn các xóm khác, nhằm giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình và góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Thanh long ruột đỏ: Cây làm giàu trên vùng đất cằn | VTC16
Vũ Công | Báo Thái Nguyên
إرسال تعليق