Trong những năm qua, cây trồng chủ lực là hồ tiêu liên tục bị sâu bệnh, giá cả bấp bênh khiến cuộc sống của nhiều nông dân trên địa bàn xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) lâm vào khó khăn. Trước tình trạng này, nhiều nông dân đã chuyển đổi sang các loại cây mới, trong đó có cây thanh long ruột đỏ và đã thành công.
Ông Nguyễn Tiến Lượng cùng vợ thu hoạch thanh long ruột đỏ. |
Gia đình ông Nguyễn Tiến Lượng (tổ 56, ấp Xuân Trường, xã Sơn Bình) có 7 sào đất. Trước đây, ông trồng bắp bán cho công ty chăn nuôi bò tại địa phương nhưng thu nhập từ cây bắp thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, trong một dịp tham quan vườn cây thanh long ruột đỏ của người bạn ở tỉnh Bình Thuận, ông Lượng rất thích mô hình này nên đã tìm hiểu đặc tính của cây và kỹ thuật chăm sóc. Năm 2018, ông đầu tư hơn 140 triệu đồng mua giống thanh long ruột đỏ, trồng 750 trụ, lắp đặt hệ thống tưới tự động và hệ thống đèn chiếu.
Sau hơn 1 năm tích cực chăm sóc, vườn thanh long ruột đỏ nhà ông Lượng đã cho trái. Vừa trồng vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay vườn thanh long của ông luôn cho trái đều và đẹp. Tháng 4 vừa qua, vườn thanh long của gia đình ông thu hoạch được hơn 1,8 tấn trái, giá bán 31 ngàn đồng/kg, ông Lượng thu lãi hơn 55 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây thanh long ruột đỏ, ông Lượng sử dụng hệ thống tưới tự động bằng béc phun gắn cố định dưới gốc cây, chong đèn kích cây ra hoa trái vụ. Nhờ vậy, thanh long cho trái quanh năm. Bên cạnh đó, ông Lượng sử dụng phân chuồng, phân vi sinh, hạn chế các loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; ưu tiên các tiêu chí để bảo đảm nông sản sạch.
Trái thanh long nhà ông Lượng to tròn, trọng lượng đồng đều 700-800gam/trái, mẫu mã đẹp mắt; có thời điểm thương lái vào tận vườn thu mua với giá 35 ngàn đồng/kg. Ông Lượng phấn khởi nói: “Cây thanh long ruột đỏ có thể cho thu hoạch liên tục trong thời gian dài, đầu ra lại ổn định nên tôi yên tâm khi mở rộng diện tích. Ngoài 750 trụ thanh long đang cho thu hoạch, vườn nhà tôi còn hơn 200 trụ chuẩn bị cho trái bói. Mỗi năm, vườn thanh long này mang lại thu nhập cho gia đình tôi hơn 200 triệu đồng”.
Chỉ vào vườn thanh long trải dài ngay hàng, thẳng lối, xanh tốt, bà Nguyễn Thị Năm (ấp Xuân Trường, xã Sơn Bình) nhớ lại: “Trên diện tích này, gia đình tôi từng điêu đứng vì tiêu bị sâu bệnh chết. Nhiều đêm tôi trằn trọc, mất ăn mất ngủ vì cây tiêu. Năm 2018, được người quen ở Bình Thuận giới thiệu cây thanh long ruột đỏ, tôi đã mạnh dạn mua cây giống về trồng thử nghiệm và cho hiệu quả”.
Ban đầu, bà Năm trồng 300 trụ thanh long. Nhờ nguồn nước dồi dào, thổ nhưỡng phù hợp nên cây phát triển thuận lợi. Sẵn có kinh nghiệm chăm sóc cây tiêu nên bà tìm hiểu thêm kiến thức, kỹ thuật, nhu cầu nông sản sạch của người dân để canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn cho người sử dụng. 2 năm tiếp theo, bà trồng thêm 1.500 trụ thanh long ruột đỏ. Không phụ người trồng, vườn thanh long cho thu hoạch mỗi năm hơn 100 tấn trái, giá bán từ 25-30 ngàn đồng/kg, bà thu lãi gần 1 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cây tiêu, đầu ra thuận lợi nên vừa bước vào mùa mưa năm nay, gia đình bà lại trồng thêm hơn 1ha nữa.
Bà Năm cho biết: “Thanh long ruột đỏ đang được ưa chuộng, cầu đang vượt cung. Thương lái đến tận vườn tìm mua, giá bán cao nên chúng tôi rất phấn khởi. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để bà con trong vùng cũng có cuộc sống khấm khá như gia đình tôi”.
Ông Đoàn Quốc Khánh, công chức nông nghiệp xã Sơn Bình cho biết, để thực hiện chủ trương phát triển chuỗi liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp, ngày 10/3/2021, HTX Sản xuất-Dịch vụ-Nông nghiệp Xuân Trường đã được thành lập nhằm hỗ trợ người dân từ khâu trồng, chăm sóc đến tiêu thụ trái thanh long ruột đỏ. HTX gồm 7 thành viên là những nông dân đã thành công với mô hình trồng thanh long ruột đỏ, tổng diện tích 12ha. “Thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng xây dựng thương hiệu, ký kết hợp đồng với các công ty để trái thanh long ruột đỏ trở thành thương hiệu của xã Sơn Bình”.
Bài, ảnh: MAI NGỌC-HỮU LIÊN | BÁO BÀ RỊA VŨNG TÀU
Đăng nhận xét