Những ngày này, người dân tại các vùng trọng điểm trồng quýt trên địa bàn tỉnh đang vào độ thu hoạch. Nhìn chung, mùa quýt năm nay năng suất ước đạt từ 10 - 14 tấn/ha, một trong những vụ quýt được mùa cao nhất trong vong 5 năm gần đây, nhưng lại mất giá liên tục, đầu ra bấp bênh khiến người dân lo lắng. Điệp khúc được mùa mất giá khó được khắc phục, người dân khi thiếu thông tin thị trường, thiếu sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản.
Theo đánh giá của người dân trồng quýt, do năm nay vướng vào đại dịch COVID-19 khiến cho lượng tiêu thụ giảm hẳn, đầu ra chủ yếu bán lẻ tại chợ phiên với giá thấp hơn nhiều so với vụ năm trước. |
Tại các xã Quang Hán, Cao Chương, Cô Mười và thị trấn Trà Lĩnh được coi là vùng trọng điểm trồng quýt lớn nhất của huyện Trùng Khánh với hơn 165 ha cho thu hoạch. Do có kinh nghiệm từ nhiều năm, bà con đã sản xuất, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cộng với thời tiết thuận lợi, cây quýt phát triển tốt, ít sâu bệnh nên ước năng suất đạt khoảng từ 12 - 14 tấn/ha.
Xã Quang Hán là vùng quýt nổi tiếng hiện có hơn 100 ha quýt, chủ yếu tập trung ở các xóm: Bản Niếng, Vững Bền, Nà Pò và Vĩnh Khải, trong đó có trên 65 ha cây cho thu hoạch, sản lượng hằng năm ước đạt từ 10 - 13 tấn/ha. Năm 2019, giá thu mua tại vườn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, tổng thu nhập mỗi năm ở xã Quang Hán đạt khoảng 8 tỷ đồng, nhiều hộ có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thị trường năm nay bán tại các chợ phiên có giá cao nhất từ 10.000 - 11.000 nghìn đồng/kg, có thời điểm 1 kg quýt chỉ dưới 10.000 đồng, thậm chí 5.000 đồng/kg quýt. Theo đánh giá của người dân trồng quýt, do năm nay vướng vào đại dịch COVID-19 khiến cho lượng tiêu thụ giảm hẳn, đầu ra chủ yếu bán lẻ tại chợ phiên. Nắm được điểm yếu này, các tư thương ép giá bán giao tại vườn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg quýt.
Nhiều hộ dân Cao Bằng đã chuyển đổi diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng quýt. |
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Hà Trì cũ, nay là xã Quang Trung, huyện Hòa An đã đầu tư cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng quýt. Từ chỗ bị thoái hóa giống ảnh hưởng đến năng suất, năm 2011, Viện Khoa học nông nghiệp và Viện Bảo vệ thực vật Việt Nam đã ứng dụng thành công mô hình phục tráng giống quýt Hà Trì. Đến nay diện tích quýt của xã Quang Trung đã tăng lên 42 ha, trong đó có 26 ha đã cho thu hoạch. Năm 2019, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha, thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, do phát triển theo phương thức truyền thống, nhỏ lẻ, quy mô vườn hộ gia đình, mặt khác thiếu sự liên kết giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ, dẫn đến đầu ra không ổn định. Trao đổi với người dân bán quýt tại các chợ Xanh, chợ Sông Bằng, thành phố Cao Bằng thấy được sự kiên trì nhẫn nại của người bán quýt từ các huyện Thạch An, Hòa An đến, mỗi ngày họ chỉ bán được từ vài cân đến 10 kg quýt.
Xã Đức Thông, huyện Thạch An là một vùng đất có điều kiện thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển các loại cây ăn quả, trong đó cây quýt được coi là cây mũi nhọn, quả có vị ngọt, thơm đặc trưng, quả to bóng, mẫu mã bắt mắt, được người tiêu dùng ưa chuộng, nhiều nhà vườn được khách hàng đến tận nơi đặt mua, nhiều hộ đã từng có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, các vùng trồng quýt Cao Bằng thiếu sự liên kết giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ, dẫn đến đầu ra không ổn định. |
Ngược lại, năm nay, nhiều hộ thất thu, hàng nghìn cây quýt được mùa mất giá, do người dân khó lường trước cung - cầu thị trường. Theo thông tin từ bà Đinh Thị Hiệp ở xã Đức Thông, huyện Thạch An, vườn quýt của gia đình năm nay sai quả, quả to, tròn đều, nếu giá cả ổn định như năm ngoái, từ 20.000 - 30.000 đồng/kg thì có thể thu về hàng chục triệu đồng. Nhưng, với giá quýt như hiện nay thì người trồng quýt sẽ bị lỗ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa quýt năm 2019, toàn tỉnh có 241,2 ha, tăng 7,5% so với năm 2018, tăng 16,86 ha; năng suất đạt 48,3 tạ/ha; sản lượng đạt 868,6 tấn. Tuy chưa thống kê chính xác sản lượng quýt năm nay cao hơn năm trước, nhưng chắc chắn người trồng quýt năm nay bị thất thu, nhiều diện tích vườn bà con không mặn mà thu hoạch. Ngay cả quýt Trà Lĩnh trước đây được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, được khách thập phương biết đến, nhưng đầu ra chưa được liên kết bền vững, khiến cho hàng chục tấn quýt bị ứ đọng trong vườn.
Xác định đây là cây trồng thế mạnh của địa phương, nên những năm qua. các huyện đã ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để thâm canh, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng quýt, trong đó tập trung hỗ trợ giống, phân bón, khoa học kỹ thuật cho nông hộ nhằm mở rộng diện tích. Tuy nhiên, để cây quýt thực sự giúp người dân thoát nghèo, các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ liên kết với thị trường ngoài tỉnh để sản phẩm quýt có đầu ra ổn định.
Lãnh Thiết - Quốc Quý / Caobangtv
Đăng nhận xét