Những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu vải, nhãn năm 2020 là cơ sở để năm nay Hải Dương mở rộng vùng trồng vải, nhãn xuất khẩu.
Sơ chế vải thiều Hải Dương xuất đi Nhật tại nhà máy của Công ty cổ phần Ameii Việt Nam. |
Xuất khẩu vừa là cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm nhưng cũng là khó khăn lớn khi phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất.
Người dân phấn khởi
Gắn bó với cây nhãn đã lâu song mãi tới năm nay, anh Nguyễn Văn Phú ở thôn An Mô, xã Lê Lợi (Chí Linh) mới yên tâm về đầu ra sản phẩm. Hơn 400 gốc nhãn của gia đình anh được doanh nghiệp đặt mua toàn bộ sản lượng để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Singapore, Australia... Không còn cảnh phải mong ngóng thương lái như trước, giá bán cũng cao hơn nên anh Phú rất phấn khởi. Chưa khi nào anh có niềm tin về cây nhãn như bây giờ. Trước đây, bà con cứ loay hoay hết trồng cây nọ lại phá cây kia, còn hiện tại đã tìm được hướng sản xuất ổn định vì thị trường của quả nhãn đã rộng mở hơn. "Năm nay, khi những nơi khác nhãn được mùa, hạ giá thì nhãn Chí Linh lại cháy hàng. Năm đầu xuất khẩu mà kết quả đã khả quan như vậy nên tôi hy vọng vụ tới, nhãn Chí Linh tiếp tục khẳng định được vị thế", anh Phú nói.
Ở huyện Thanh Hà, câu chuyện quả vải có giấy thông hành sang những thị trường lớn, khó tính không còn mới mẻ nhưng vụ vải vừa qua lại làm cho nông dân thấy phấn chấn và lạc quan hơn về tương lai của loại cây đặc sản này. Những vụ trước đó, quả vải đã đi Mỹ, Australia và EU, dù vậy số lượng được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu không thấm tháp gì so với sản lượng.
Năm 2020, lần đầu tiên Hải Dương tự tin đưa quả nhãn tươi tiếp cận các thị trường cao cấp như: châu Âu, Australia và Singapore. |
Còn vụ vừa rồi, nhiều đơn vị tới mua, lượng hàng xuất khẩu cũng lớn hơn, người trồng vải vì thế cũng có thêm nhiều lựa chọn trong tiêu thụ. Mặt khác, nhiều công ty cạnh tranh góp phần đẩy giá bán lên cao nên người dân được hưởng lợi. Bà Vũ Thị Quý ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy hồ hởi: "Lâu lắm rồi mới lại có vụ vải được mùa mà không mất giá như vậy. Vải ở vùng xuất khẩu được mua với giá cao hơn. Ai cũng hy vọng diện tích trồng vải xuất khẩu được mở rộng để tiếp tục nâng cao giá trị quả vải".
Năm 2020, toàn tỉnh có 23 vùng trồng vải, nhãn được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 220 ha. Trong đó, huyện Thanh Hà có 17 vùng vải, diện tích 155,3 ha; TP Chí Linh có 2 vùng vải, 4 vùng nhãn, diện tích 64,7ha. Gần 1.600 tấn vải, nhãn của Hải Dương được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU... tăng 1.000 tấn so với năm 2019. Nhờ làm tốt hoạt động xúc tiến thương mại nên giá bán vải Thanh Hà cao hơn từ 10.000-15.000 đồng/kg, nhãn Chí Linh cao hơn từ 5.000-7.000 đồng/kg so với nơi khác.
Tạo vùng nguyên liệu ổn định
Nắm bắt cơ hội trong xuất khẩu nhãn, vải, năm 2021, Hải Dương có kế hoạch xây dựng thêm 280 ha vải, nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và duy trì 220 ha đã được quy vùng từ trước đó. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh trong việc thúc đẩy nông sản lợi thế xuất khẩu. Dù vậy, để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra thì không chỉ phía chính quyền, cơ quan chuyên môn mà người dân cũng cần phải chủ động thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất.
Theo đại diện Công ty CP Ameii Việt Nam (Hà Nội), quả vải, nhãn của Hải Dương đang đứng trước thuận lợi lớn khi các điều kiện thông thương sang thị trường khó tính đã được nới lỏng. Song tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng sản phẩm cũng là bài toán khó. Việc cần làm ngay là phải sản xuất những sản phẩm đồng bộ về chất lượng, mẫu mã bảo đảm yêu cầu của khách hàng. Từ đó, tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu dồi dào, ổn định. Có như vậy mới có thể giữ chân được doanh nghiệp lâu dài.
Đây là lần đầu tiên nhãn miền Bắc được xuất khẩu sang thị trường Australia. |
Là địa phương có diện tích vải lớn nhất tỉnh nên từ khi mới có chủ trương, chưa có quyết định cụ thể, TP Chí Linh đã chủ động rà soát, thực hiện quy vùng vải, nhãn xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: "Từ lâu cây vải ở vùng đất đồi Chí Linh bị lép vế so với các cây trồng khác. Vì vậy việc mở rộng diện tích vải xuất khẩu sẽ là dịp để cây trồng thế mạnh của tỉnh nói chung và thành phố nói riêng lấy lại được vị thế. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho thành phố quy hoạch phát triển cây vải bài bản hơn. Riêng cây nhãn, với kinh nghiệm xây dựng vùng xuất khẩu từ vụ trước, TP Chí Linh tự tin sẽ làm tốt các khâu để có những quả nhãn chất lượng nhất phục vụ xuất khẩu".
Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mở rộng vùng nhãn, vải xuất khẩu là điều kiện cần thiết giúp Hải Dương mời gọi được doanh nghiệp tham gia xuất khẩu 2 loại nông sản này. Bởi chỉ khi xây dựng được vùng nguyên liệu thì mới có thể thực hiện được các bước tiếp theo trong quy trình xuất khẩu.
Nhằm khuyến khích và tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp, tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ góp phần xây dựng thành công và duy trì vùng vải, nhãn xuất khẩu. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ về vật tư phục vụ sản xuất, chứng nhận điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu... "Mở rộng vùng vải, nhãn xuất khẩu là nét mới và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong năm 2021", bà Hà khẳng định.
DŨNG CƯỜNG - HDO
Đăng nhận xét