ADS

Sàn giao dịch thương mại điện tử Nông sản An Tâm

Mùa vải bội thu ở huyện vùng núi Kbang

Thời điểm này, các nhà vườn ở Kbang đang tất bật thu hoạch vải. Giá vải năm nay tuy có giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song bù lại năng suất đạt khá, hứa hẹn đem lại nguồn thu lớn cho người dân.​​

vải chín sớm Kbang, vải chín sớm Gia Lai, vải chín sớm Tây Nguyên, vải thiều VietGAP, vải thiều Gia Lai, vải thiều Tây Nguyên, early lychee
Gia đình anh Trần Văn Sơn (thôn 3, xã Đông, huyện Kbang) thu hoạch vải bán cho thương lái.


Trồng vải cho thu nhập cao

Hơn 1 tuần nay, vườn vải của anh Trần Văn Sơn (thôn 3, xã Đông) tấp nập thương lái ra vào. Anh Sơn cho biết: “Vải bắt đầu chín từ giữa tháng 4, các thương lái trên địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê vào tận vườn thu mua. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá vải giảm so với năm ngoái 5-10 ngàn đồng/kg nhưng bù lại năng suất cao hơn năm trước hơn 30%. Vụ vải này, gia đình tôi ước thu được khoảng 6 tấn quả, giá bán 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng”.


Vườn vải hơn 400 cây của gia đình ông Lê Văn Hùng (thôn 1, xã Nghĩa An) cũng đang bước vào mùa thu hoạch, cây nào cây nấy trĩu quả. Ông Hùng chia sẻ: “Gia đình tôi trồng vải từ năm 2013. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, bón phân, tưới nước đầy đủ, sau 5 năm, vườn cây cho thu hoạch. Dự kiến năm nay, vườn vải cho sản lượng 10 tấn. Gia đình tôi đã bán đợt 1 được hơn 1 tấn. Nếu giá bán giữ ở mức 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình thu về hơn 230 triệu đồng. So với các cây trồng khác trên địa bàn, cây vải mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.


Cũng trồng hơn 7 sào vải vừa bán quả vừa chiết cành bán giống, gia đình ông Lương Văn Thịnh (tổ 7, thị trấn Kbang) thu về gần 300 triệu đồng/năm. Ông Thịnh cho biết: “Năm 2004, tôi mua hơn 200 gốc vải giống u hồng ở Hải Dương về trồng. Thấy nhiều người hỏi mua giống, tôi mày mò học kỹ thuật chiết cành từ những người đi trước. Hàng năm, ngoài bán quả, tôi bán khoảng 5.000 cành giống với giá 30.000 đồng/cành cho bà con trong và ngoài huyện. Nhờ cây vải mà kinh tế gia đình tôi phát triển như hiện nay”.


Theo ông Thịnh, cây vải dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, hợp điều kiện thổ nhưỡng Kbang nên chất lượng và sản lượng vải không thua kém những nơi khác. Vải Kbang được các thương lái thu mua đem bán ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), TP. Hồ Chí Minh… Đặc biệt, vải ở Kbang chín sớm trước cả tháng, thậm chí có những năm thu xong rồi thì ở các tỉnh phía Bắc mới vào mùa. Vì vậy, quả vải Kbang luôn bán rất chạy, có tính cạnh tranh cao.

vải chín sớm Kbang, vải chín sớm Gia Lai, vải chín sớm Tây Nguyên, vải thiều VietGAP, vải thiều Gia Lai, vải thiều Tây Nguyên, early lychee
Hơn 400 cây vải của gia đình ông Lê Văn Hùng (thôn 1, xã Nghĩa An, huyện Kbang) bước vào mùa thu hoạch, cây nào cây nấy trĩu quả, hồng rực.


Mở rộng diện tích

Những năm qua, cây vải đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ ở Kbang. Vì vậy, nhiều hộ đã đầu tư mở rộng diện tích trồng loại cây này. Ông Hùng cho biết, gia đình ông có 2,8 ha đất nhưng mới trồng 2 ha vải. Cuối năm nay, gia đình dự kiến sẽ trồng vải trên 8 sào đất còn lại. Trong khi đó, anh Sơn đã lên kế hoạch sau khi thu xong vụ vải này sẽ chiết cành để mở rộng diện tích trồng vải. “Gia đình tôi còn 1,5 ha đất đang trồng mì. Thửa đất này ở gần suối, thuận tiện nước tưới, do đó vợ chồng tôi quyết định tiếp tục trồng cây vải”-anh Sơn nói.


Tại xã Lơ Ku, nhiều hộ dân cũng chọn trồng loại cây này. Chị Đỗ Thị Hằng (thôn 1) cho hay: “Thấy một số hộ trong xã trồng vải cho thu nhập cao, cuối năm 2018, sau khi thu hoạch mía, gia đình tôi bắt tay cải tạo đất, đầu tư hệ thống tưới nước tự động để trồng 400 cây, đồng thời trồng xen cây đinh lăng. Đến nay, vườn vải phát triển tốt”.


Huyện Kbang hiện có 83,6 ha vải, trong đó 35,4 ha đã cho thu hoạch, còn lại là trồng mới. Diện tích vải tập trung ở xã Đông với 35 ha, Nghĩa An hơn 5 ha, Sơ Pai trên 1,2 ha, Lơ Ku 6 ha, Kông Pla và Đak Rong 1 ha, gồm các giống u hồng, u trứng, u thâm. Ưu điểm các giống vải này là chím sớm, vỏ mỏng, cơm dày, ăn có vị ngọt xen lẫn chua nhẹ, được thị trường ưa chuộng.


Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Từ cuối năm 2019 đến nay, thời tiết không thuận lợi nhưng cây vải vẫn cho năng suất khá, thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha. So với cây trồng khác, cây vải cho thu nhập cao hơn. “Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây vải; đồng thời tuyên truyền nhân dân trong quá trình sản xuất thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện cũng tiếp tục duy trì hoạt động Ngày hội Du lịch Kbang để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản trên địa bàn, trong đó có quả vải; thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa hộ dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp để đưa quả vải đến các thị trường mới, mang lại thu nhập ổn định cho người dân”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang thông tin thêm.


Nông dân Kbang được mùa vải

NGỌC MINH - GLO

Bình luận

أحدث أقدم

Vietnam Logistics and Aviation School

Chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản miền Tây tươi - sạch - ngon