Phát triển kinh tế đồi rừng là một trong những khâu đột phá mà huyện miền núi Yên Lập (Phú Thọ) triển khai xuyên suốt ba nhiệm kỳ trở lại đây. Mỗi nhiệm kỳ, quan điểm chỉ đạo cũng như cách thức tổ chức thực hiện lại có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Lương Đắc Quang ở khu 3, xã Xuân Thủy. |
Trong đó, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết số 42 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIV đã có sự đổi mới trên cơ sở xác định phương hướng phát triển cụ thể của loại cây ăn quả, hứa hẹn tạo thêm điểm nhấn cho bức tranh kinh tế đồi rừng.
Nghị quyết số 42 xác định: “Đặc biệt quan tâm mở rộng diện tích cây bưởi và nâng cao năng suất chất lượng quả bưởi, tạo ra thương hiệu bưởi Yên Lập trên thị trường; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể (ngoài chính sách của tỉnh) nhằm đưa Yên Lập trở thành vùng trọng điểm bưởi theo đúng định hướng chỉ đạo của tỉnh”.
Huyện Yên Lập có 33.000 ha đất đồi rừng, chiếm 70% diện tích tự nhiên. Nếu như trên vùng đồi núi cao, cây gỗ lớn và cây dược liệu chiếm ưu thế thì ở vùng đồi thấp, cây bưởi đã hiện hữu từ hàng chục năm trở về trước. Dẫn phóng viên đi dọc những vườn bưởi xanh mướt hai bên tuyến đường nông thôn mới của xã Xuân Thủy, đồng chí Phó Trưởng phòng NN&PTNT cho biết đã từ lâu, cây bưởi đảm đương sứ mệnh thoát nghèo cho nhiều hộ dân nơi đây.
Gia đình ông Lương Đắc Quang ở khu 3, xã Xuân Thủy là một ví dụ. Hơn 30 năm trước, gia đình ông Quang di cư từ Mê Linh, thành phố Hà Nội lên khẩn hoang ở đất Yên Lập. Ban đầu, ông trồng luồng rồi sang cây vải, keo và cuối cùng gắn bó với cây bưởi từ năm 1998 đến nay. Năm 2021, mô hình trồng bưởi của gia đình ông Quang rộng 2 ha với 300 gốc bưởi chủ yếu là bưởi Diễn và bưởi Xuân Vân của Đoan Hùng. Cây bưởi tuy có lúc thăng lúc trầm nhưng so với các loại cây trồng khác thì vẫn mang lại lợi ích kinh tế cao hơn. Cây bưởi dễ chăm sóc, thời gian thu hồi vốn ngắn và hạn chế nguy cơ thoái hóa đất nên đây là cây trồng được hàng trăm hộ dân tại các xã Sơn Thủy và Đồng Thịnh lựa chọn.
Mô hình trồng bưởi của hộ ông Nguyễn Văn Định ở xã Phúc Khánh. |
Tuy nhiên, cây bưởi được trồng nhiều nhưng không có quy hoạch, định hướng cụ thể nên hiện vẫn dừng lại ở mức nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Theo đó, huyện Yên Lập đề ra mục tiêu đến năm 2025, mở rộng diện tích cây ăn quả (chủ yếu là cây bưởi Diễn) lên trên 800 ha và phấn đấu mỗi xã, thị trấn có một mô hình sản xuất kinh tế có hiệu quả để nhân rộng.
Từ hai xã, cây bưởi được lên kế hoạch nhân rộng ra quy mô toàn huyện. Cùng với đó, nhiều quyết định, văn bản liên quan đến trồng mới và nâng cao chất lượng cây bưởi được ban hành. Trong đó, đáng chú ý nhất là văn bản số 256/UBND-NN&PTNT ban hành ngày 26/2/2021 với nội dung tập trung trồng mới cây bưởi năm 2021 và thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cho diện tích cây bưởi thời kỳ kinh doanh.
Với diện tích trồng mới thì UBND các xã khẩn trương rà soát quỹ đất, các vùng phát triển tập trung cho từng loại bưởi, chia khung thời vụ sản xuất phù hợp với cơ cấu giống bưởi, hướng dẫn người dân sử dụng cây giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đối với bưởi thời kỳ kinh doanh, các diện tích bưởi đã được UBND huyện nghiệm thu và hỗ trợ theo phương án phê duyệt năm 2020 tiếp tục duy trì sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Thu hoạch bưởi Diễn vụ đông năm 2020. |
Với nhiều biện pháp đồng bộ được triển khai, đến nay, toàn huyện Yên Lập đã làm đất và chuẩn bị cây giống để trồng được 68,9 ha. Tuy vậy, con số trên vẫn bị đánh giá là tiến độ chậm khi mới chỉ đạt 53% kế hoạch đề ra là 130 ha trồng mới. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ cây bưởi theo Nghị quyết số 05 của tỉnh còn tương đối thấp, chưa tạo động lực phát triển cho các hộ trồng bưởi.
Ông Hoàng Văn Cường - Trưởng phòng NN&PTNT Yên Lập cho biết: “Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, kế hoạch trồng mới cây bưởi năm 2021, phòng tham mưu UBND huyện kiến nghị Huyện ủy, HĐND xem xét bổ sung kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/ha cho diện tích trồng mới năm 2021. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí xây dựng một mô hình tưới cây ăn quả vùng đồi có hiệu quả để nhân rộng trên quy mô diện tích lớn”.
Mong rằng thời gian tới, cây bưởi tiếp tục phát huy thế mạnh, đem lại giá trị kinh tế cao ở các địa phương trên địa bàn huyện Yên Lập cũng như trên toàn tỉnh.
Thùy Trang / Báo Phú Thọ
Đăng nhận xét