Huyện Nghĩa Hành hiện có 100ha bưởi da xanh đang vào vụ thu hoạch. Năm nay, bưởi được mùa, giá cả ổn định, giúp chủ vườn có nguồn thu nhập cao.
Vườn bưởi da xanh của ông Trịnh Ngọc Thế, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) cho thu nhập ổn định. |
Các nhà vườn ở xã Hành Minh cho biết, dù giá bưởi da xanh năm này ở mức 32 - 35 nghìn đồng/kg, thấp hơn các năm trước 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng người trồng bưởi vẫn có lãi. Vì vụ này, bưởi da xanh đạt năng suất cao, bán ra với số lượng lớn, nên đảm bảo nguồn thu cho người trồng bưởi.
Ông Trịnh Ngọc Thế, ở thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh, có vườn bưởi đã hơn 7 năm, với hơn 100 gốc bưởi đã trĩu quả. Mỗi cây bưởi cho khoảng 80 quả, mỗi quả nặng từ 1,5 - 3kg. Đây là lần thứ 4 gia đình ông Thế vào vụ thu hoạch bưởi. Năm nay, thương lái đến tận vườn mua. Với 100 gốc cho thu hoạch hơn 5 tấn bưởi trái, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông.
Vườn bưởi da xanh của ông Trịnh Ngọc Thế, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) cho thu nhập ổn định.Tại xã Hành Thiện, còn khoảng một tháng nữa vùng chuyên canh hơn 10ha bưởi da xanh ở thôn Ngọc Sơn sẽ vào vụ thu hoạch. Người trồng bưởi nơi đây cho biết, hiện đã có nhiều thương lái đến tận vườn đặt mua bưởi. Ông Nguyễn Văn Thảo, ở xã Hành Thiện, là một trong 25 hộ tham gia dự án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả ở huyện Nghĩa Hành. Từ năm 2017, ông Thảo đã trồng hơn 300 cây bưởi da xanh và đây là lần thứ hai vườn bưởi nhà ông ra trái. Đợt bưởi ra trái lần trước trúng trận bão số 9 nên ông Thảo thất thu. “Ngay sau bão, cán bộ kỹ thuật của huyện về hướng dẫn tôi khắc phục, cứu chữa những cây bưởi nghiêng, đổ. Nhờ sớm khắc phục và trải qua quá trình chăm sóc, bưởi đã phục hồi, phát triển, giờ ra quả nhiều”, ông Thảo nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Hành Thiện Phạm Thị Bích Hoa, nhiều hộ dân trong xã đã đổi mới trong phát triển sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Xã đã hỗ trợ kéo 1.500m đường dây điện để người trồng bưởi thuận tiện trong bơm nước tưới tiêu. Các hộ dân nơi đây còn chủ động kết hợp xây dựng chuồng trại nuôi gà, heo để “lấy ngắn nuôi dài” và có nguồn thu trong 4 năm chăm sóc bưởi; đồng thời có nguồn phân hữu cơ bón cho cây bưởi phát triển. “Xã Hành Thiện đã về đích nông thôn mới từ năm 2016. Để đời sống người dân không ngừng phát triển, chúng tôi luôn tìm hướng đi mới. Khi huyện có các chương trình phát triển vùng chuyên canh cây bưởi da xanh, xã khuyến khích người dân tham gia”, bà Hoa nói.
Để phát triển vùng chuyên canh và mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh, huyện Nghĩa Hành đã mở nhiều lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, cách chăm sóc bưởi cho nông dân. Bình quân mỗi năm, huyện mở 12 lớp tập huấn ở từng xã. Trong đó, có nhiều lớp được triển khai tận vườn bưởi với tần suất 1 - 2 tuần/lần. Tại đây, cán bộ kỹ thuật có thể hướng dẫn cách phòng trừ, khắc phục những vấn đề gây hại cho cây bưởi da xanh.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành Lê Văn Chính, bưởi da xanh là cây ăn quả chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Nghĩa Hành. Vì vậy, trung tâm luôn sâu sát, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc để bưởi phát triển. Ngoài ra, trung tâm xây dựng các phương án, tạo cầu nối để UBND huyện, UBND tỉnh có thêm nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển cây ăn quả, trong đó có bưởi da xanh.
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG / BÁO QUẢNG NGÃI
إرسال تعليق