Thanh long huyện Nguyên Bình được người tiêu dùng biết đến với hương vị đậm đà, màu sắc bắt mắt và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là cây trồng đã giúp cho người dân có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để cây thanh long phát triển bền vững, huyện Nguyên Bình cần tìm hướng đi mới vừa đảm bảo hài hòa đầu ra cho sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP ở địa phương.
Với diện tích hơn 41 ha, cây thanh long đã trở thành cây trồng chủ lực, mũi nhọn, giúp người dân huyện Nguyên Bình có nguồn thu nhập ổn định. |
Theo thống kê Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyên Bình hiện toàn huyện có hơn 41 ha cây thanh long tập trung tại các xã Vũ Minh, Minh Tâm, Tam Kim, Thể Dục và thị trấn Nguyên Bình. Năm nay, do điều kiện thời tiết thuận lợi, cây thanh long phát triển tốt, ra quả đồng đều, năng suất ước đạt 18 tấn/ha. Ngoài giống thanh long ruột trắng, gần đây, người nông dân còn phát triển thêm thanh long ruột đỏ, nhờ đó đã tăng năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cây trồng, phục vụ nhu cầu thị trường hàng hóa cho người tiêu dùng.
Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh (CSSP) cũng đã hỗ trợ nguồn kinh phí từ Quỹ đồng tài trợ cạnh tranh CSA cho các nhóm đồng sở thích trồng cây thanh long, trung bình mỗi nhóm được hỗ trợ kinh phí 75 triệu đồng để người dân đầu tư mở rộng sản xuất. Vì vậy, người dân trồng thanh long ngày càng đạt hiệu quả kinh tế, thu nhập trung bình các hộ gia đình hằng năm đạt từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Cây thanh long đã trở thành cây trồng chủ lực, mũi nhọn giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Quả thanh long được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến với chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Gia đình bà Lương Thị Vĩnh, xóm Vũ Ngược trồng hơn 600 gốc thanh long. Cứ đến vụ thu hoạch, gia đình tập trung nhân lực thu hái và tiêu thụ sản phẩm để quả thanh long vừa có mẫu mã đẹp, vừa đảm bảo sản lượng. Hằng năm, trừ các khoản chi phí, gia đình bà Vĩnh thu nhập vài chục triệu đồng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng khách tham quan Nguyên Bình hạn chế, khó khăn cho việc tiêu thụ, giá bán cũng giảm so với các năm trước. Trung bình 1 kg thanh long ruột trắng chỉ bán được từ 10.000 - 20.000 đồng, trong khi trước đây có thể lên tới 30.000 -35.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ có giá từ 15.000 - 30.000 đồng/kg, giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.
Việc tiêu thụ cũng chậm, hộ trồng thanh long chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ tại các chợ phiên. Vài năm gần đây, do phát triển cây trồng ồ ạt, tự phát, tình trạng được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa vẫn xảy ra. Nhất là vào thời điểm chính vụ, bà con càng lo lắng trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Bà Vĩnh cho biết: “Gia đình tôi đã trồng cây thanh long lâu năm và đây cũng là cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân. Năm nay, tuy tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá bán thấp, nhưng nếu chịu khó và biết cách quảng bá sản phẩm, chúng tôi vẫn có thu nhập. Hai năm gần đây, nhà tôi trồng thêm giống thanh long ruột đỏ, khi bán cũng được giá cao hơn. Về lâu dài, người dân ở đây vẫn xác định thanh long là cây trồng chủ lực, vì vậy mong muốn các cấp có biện pháp hỗ trợ người dân trồng thanh long ngày càng đạt hiệu quả hơn”.
Huyện Nguyên Bình phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thanh long toàn huyện đạt 828 tấn, năng suất đạt 20 tấn/ha. |
Hiện, cây thanh long được trồng nhiều nhất tại xã Vũ Minh với hơn 29 ha, xã Minh Tâm 3,3 ha, xã Tam Kim hơn 3 ha, xã Thể Dục 3,5 ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng và đưa sản phẩm thanh long đạt tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp sạch, huyện Nguyên Bình đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích cây thanh long; xây dựng các mô hình trình diễn về quy trình chăm sóc theo hướng an toàn, hữu cơ; định hướng người dân cải tạo vườn cây thành mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp; đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thanh long toàn huyện đạt 828 tấn, năng suất đạt 20 tấn/ha.
Ngoài việc nỗ lực tăng năng suất, sản lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, huyện Nguyên Bình cần quy hoạch vùng trồng thanh long tập trung, gắn sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, tránh tình trạng trồng ồ ạt, mất cân đối cung - cầu; tiếp tục xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hợp lý kích thích cây trồng phát triển, tạo độ ngọt cho quả; xây dựng các vườn ươm giống chất lượng cao để quả thanh long vừa có mẫu mã đẹp, hạn chế tình trạng sâu bệnh, thối quả.
Triển khai tốt về cơ chế chính sách sách hỗ trợ phát triển cây đặc sản, đặc hữu của địa phương gắn với thực hiện Chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới; khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp để hỗ trợ đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người dân; quan tâm và làm tốt khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; tiếp tục quảng bá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm, tạo động lực phát triển cây thanh long bền vững.
Hoàng Ngơi - Đức Thụ | Đài PTTH Cao Bằng
Đăng nhận xét