Với màu sắc bắt mắt, trọng lượng “khủng” lại được quảng cáo như một loại “thần dược” hiếm có nên loại na này được nhiều người lùng mua với giá cao.
Quả na rừng. |
Từ trước đến nay, người tiêu dùng thường biết đến các loại na dai, na bở, na Thái được trồng phổ biến ở hầu khắp các tỉnh có vị ngọt, hạt đen, được bán với giá từ 20-50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên các chợ mạng lại xuất hiện loại na lạ có màu đỏ gọi là na rừng, mỗi quả nặng từ 2-4kg, múi to và dày được bán với giá từ 150-200.000 đồng/kg.
Là người chuyên cung cấp các loại đặc sản miền núi, chị Phương Sao, trú tại Buôn Đôn (Đắk Lắk) cho biết, một số năm gần đây khách hỏi mua na rừng ngày một nhiều. Tùy vào từng đợt dân đi hái được nhiều hay ít, quả to hay nhỏ mà giá có thể cao hay thấp.
Để hái được quả na rừng phải là những thợ rừng lâu năm, có kinh nghiệm mới có thể làm được vì loại quả này ở sâu trong rừng già, phải trèo đèo lội suối, khó khăn lắm mới tìm thấy. Khi thấy rồi phải thật cẩn thận trèo lên tít ngọn cây cao mới hái được.
Mỗi quả na rừng có thể nặng lên tới 3-4kg. |
Giá mua của bà con khoảng 80-120.000 đồng/kg nhưng do khâu vận chuyển, qua các đầu mối, giá sẽ cao lên gấp nhiều lần. Dù giá cao nhưng nhiều khi khách muốn mua cũng không có. Thậm chí do dịnh bệnh nên vận chuyển ra Bắc khó khăn, giá cước cao nên đợt này chị còn không gửi được hàng.
Bán na rừng với giá 165.000 đồng/kg trên chợ online, chị Ngân, trú tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, na rừng được đồng bào dân tộc xem như một loại thuốc quý trong nhà để chữa suy nhược cơ thể, ăn uống kém, có tác dụng an thần và chữa yếu sinh lý cho nam giới.
“Tôi nghe các cụ kể lại rằng, na rừng thường mọc trong rừng sâu dạng dây leo, bám vào các thân cây cao chót vót trong rừng già. Người dân ban đầu thấy thứ quả nhìn hệt quả na lại có mùi thơm đặc trưng, được bầy sóc và cầy hương yêu thích nên cũng hái về ăn thử và ngâm rượu dùng quanh năm”, chị Ngân nói.
Cây na rừng thuộc dạng dây leo, cho quả từ tháng 8-10 hàng năm. |
Từ vị thuốc dân gian, những năm gần đây, na rừng được nhiều người biết đến và lùng mua với giá cao để bán cho thương lái. Vì vậy, quả na rừng ngày một hiếm, giá ngày một cao. Theo chị Ngân, mỗi quả na rừng thường nặng từ 2-3kg, có quả nặng đến 4kg, đến tay khách hàng có giá cả nửa triệu đồng/ quả nhưng nhiều người vẫn chi tiền mua bằng được.
Đặt mua 5 quả na rừng về ngâm rượu, anh Khoa, trú tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, bản thân mình rất thích uống các loại rượu ngâm quả rừng như nho rừng, táo mèo, mơ, dâu, ổi đào… Năm nay, anh thử mua thêm na rừng về ngâm cho đủ “bộ sưu tập”.
Nhìn bên ngoài, quả na rừng hệt như quả na được trồng tại vườn nhà nhưng bên trong lại có màu đỏ đặc biệt. |
“Nhìn bên ngoài thì có quả màu xanh, quả màu đỏ nhưng khi bổ đôi, tách múi thì ruột quả na rừng nào cũng đỏ tươi, đẹp lắm. Nếm thử thì có vị hơi chua chua, ngọt ngọt, đặc biệt là rất thơm”, anh Khoa nói.
Theo anh Khoa, na rừng có thể ngâm quả tươi hoặc ngâm quả khô nhưng anh chọn cách ngâm na khô. Sau khi mua về tách ra từng múi nhỏ và phơi nắng hoặc sấy cho khô rồi rửa sạch bằng nước và rửa lại với rượu trắng. Sau đó, cho na vào bình thủy tinh hoặc bình gốm, rót rượu vào ngập quả na và đem đi hạ thổ khoảng 1 năm thì dùng được.
Na rừng chủ yếu được người dân mua về tách từng múi rồi ngâm rượu. |
Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Thị Linh cho biết, na rừng có tên khoa học là Kadsura heteroclita (Roxb.) Craib. Cây có tên gọi khác là Dây chua cùm, Đại toản, Pản mạ, Dây răng ngựa, Nắm cơm, Na dây, thuộc họ Ngũ vị (Schisandracceae). Cây được dùng với rất nhiều công dụng, thân dây có tác dụng khu phong, trừ thấp, hành khí, hoạt huyết. Trong khi đó quả Na có tác dụng ninh tâm, bổ thận, chỉ khái và khu đàm.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn phát hiện ra rễ cây có chứa Ethanol có tác dụng giúp giảm đau, chống viêm hiệu quả. Chiết xuất khác từ rễ cây có khả năng chống viêm và an thần.
إرسال تعليق