Sầu riêng Pelangi thường được lai tạo giữa ba loài sầu riêng và sự lai tạo phức tạp này tạo ra phần thịt quả có màu loang lổ rực rỡ thậm chí được gọi là sầu riêng cầu vồng.
Sầu riêng Pelangi là loại quả lớn, dài trung bình từ 20 đến 30 cm. Vỏ rất cứng có màu từ xanh lá cây, vàng, đến nâu với một vài đường sọc. Phần thịt quả sầu riêng có nhiều màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào từng cây, từ màu trắng, vàng nhạt, hồng, cam, đến đỏ. Sầu riêng Pelangi múi dày, đặc, hơi dính và sệt như kem, hạt dẹt, kích thước vừa phải. Sầu riêng Pelangi có vị ngọt, cay nồng.
Sầu riêng Pelangi trong đó tên Pelangi dịch từ tiếng Indonesia có nghĩa là "cầu vồng", là một từ mô tả được sử dụng để nói về màu sắc độc đáo của phần thịt quả. Sầu riêng Pelangi được tạo ra từ ba loài sầu riêng khác biệt. Sự lai tạo phức tạp này tạo ra thịt quả có màu loang lổ rực rỡ. Ngoài sự quý hiếm của chúng, sầu riêng Pelangi cũng đang được thử nghiệm như một giống thương mại mới của Indonesia với hy vọng cạnh tranh với các giống sầu riêng nổi trội có nguồn gốc từ Malaysia và Thái Lan.
Sầu riêng Pelangi có thể được trồng ở nhiều vùng khí hậu và có thời gian bảo quản kéo dài, giữ tươi từ 6 đến 7 ngày so với thời hạn sử dụng trung bình từ 2 đến 3 ngày của sầu riêng truyền thống. Cây cũng cho năng suất rất cao, đậu quả 2 lần trong năm, có thể cho thu hoạch tới 800 quả mỗi cây.
Sầu riêng Pelangi có nguồn gốc từ Manokwari, nằm ở phía đông tỉnh Papua, Indonesia. |
Sầu riêng Pelangi rất giàu dinh dưỡng. Sắc tố đỏ trong thịt sầu riêng giúp bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của các gốc tự do. Trái cây cũng là một nguồn cung cấp beta-carotene và vitamin C, một chất chống oxy hóa có thể làm giảm viêm, cải thiện làn da và tăng cường hệ thống miễn dịch. Ngoài các vitamin, sầu riêng Pelangi chứa các khoáng chất, bao gồm đồng, sắt, canxi và kali, góp phần giúp các cơ quan, xương và khớp hoạt động khỏe mạnh.
Sầu riêng Pelangi được ưa chuộng vì độ hiếm của chúng. Ngoài ăn tươi, nhiều người còn chế biến nó thành nước ép, sinh tố và đồ uống trái cây, hoặc thái lát ăn cùng xôi.
Sầu riêng cầu vồng cũng có thể được trộn với đường làm thành kem hoặc nấu thành một loại nhân cho bánh ngọt, món tráng miệng và các loại bánh nướng khác. Chúng cũng có thể được kết hợp với cà ri, cơm chiên và gia vị. Sầu riêng Pelangi rất hợp khi nấu cùng với nước cốt dừa, chanh dây, bạc hà, sả, vani, socola đen, các loại gia vị như quế, đinh hương, và bạch đậu khấu, me và đậu phộng.
Những quả sầu riêng Pelangi chưa tách vỏ sẽ giữ được một tuần khi được bảo quản ở nơi thoáng mát. Sau khi cắt lát, có thể bảo quản thêm 2 đến 3 ngày trong tủ lạnh.
Sầu riêng Pelangi được ưa chuộng vì độ hiếm của chúng. |
Sầu riêng Pelangi là một trong những điểm thu hút du khách nhất tại lễ hội sầu riêng Banyuwangi, Indonesia. Lễ hội hàng năm thu hút hàng nghìn du khách quốc tế và được tổ chức tại các đường phố chính xung quanh công viên trung tâm của quận Songgon, một quận có hơn bốn nghìn cây sầu riêng được trồng trên khắp các cánh đồng, vườn nhà và trang trại.
Ngày lễ hội thay đổi hàng năm, tùy thuộc vào mùa sầu riêng. Sầu riêng Pelangi được thu hoạch tươi và được bán tại sự kiện như một trong những loại trái cây đặc sản. Nhiều du khách tham dự lễ hội chỉ vì loại sầu riêng độc đáo này.
Sầu riêng Pelangi có nguồn gốc từ Manokwari, nằm ở phía đông tỉnh Papua, Indonesia. Ngày nay có những cây sầu riêng cầu vồng đã hơn trăm năm tuổi. Sầu riêng Pelangi lần đầu được nhà khoa học và nhà nghiên cứu Karim Aristides phát hiện, ghi lại và đặt tên chính thức.
Ngày nay, sầu riêng Pelangi được một số trang trại trên khắp Indonesia trồng và bán thông qua các chợ địa phương như một mặt hàng đặc sản. Sầu riêng Pelangi cũng đang được trồng tại viện nghiên cứu trái cây nhiệt đới Indonesia để phát triển và trồng đại trà.
(Theo Dân Trí)
Đăng nhận xét