Sầu riêng, giống cây trồng khó tính, mang lại thu nhập cao cho nông dân Lâm Đồng, đồng thời cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm bón phức tạp. Một nông hộ đã áp dụng kỹ thuật trồng sầu riêng khá đặc biệt, đảm bảo vườn sầu riêng cho năng suất ổn định và giữ được môi trường trong sạch, giúp trái sầu riêng bán được giá cao hơn giá thị trường.
Ông Hoạt trong vườn sầu riêng của gia đình. |
Ông Mai Thành Nhã, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc giới thiệu rất cụ thể về nông dân xã mình: “Bác Hoạt là người rất có kinh nghiệm trồng sầu riêng. Tuy diện tích không nhiều nhưng sầu riêng canh tác sạch, năng suất ổn định, giá cao, vườn sầu riêng rất đẹp. Bác Hoạt còn áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác hiệu quả giúp vườn sầu riêng phát triển tốt”.
Người có vườn sầu riêng được khen ngợi là ông Nguyễn Văn Hoạt, nông dân thôn Nga Sơn, xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc. Định cư tại Lâm Đồng từ năm 1991, ban đầu giống hầu hết nông dân địa phương, ông Hoạt cũng trồng cà phê. Năm 2000, nhận thấy tiềm năng của cây sầu riêng, ông Hoạt trục cà phê, xuống giống 100 cây sầu riêng Thái giống Monthon trên mảnh đất 1 ha. Sau hơn 20 năm, vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Hoạt đã trở thành vườn đẹp nhất nhì đất Lộc Nga, với 70 cây lớn đang cho quả hàng năm. Mỗi năm, vườn sầu riêng của ông Hoạt cho thu hoạch trung bình 15 tấn trái, với giá trung bình 55 ngàn đồng/kg. Với 70 cây sầu riêng, sau khi trừ hết chi phí, cũng mang lại cho nông hộ con số 500 - 600 triệu đồng, nguồn thu nhập không nhỏ trên một diện tích đất vừa phải.
Ông Nguyễn Văn Hoạt chia sẻ, ông canh tác vườn sầu riêng theo hướng sạch, giữ năng suất và chất lượng ổn định. Theo ông Hoạt, cây sầu riêng muốn năng suất tốt, trái ngon cần chú ý tới bộ rễ và bộ lá. Bộ rễ là gốc của cây, rễ khỏe sẽ giúp bộ lá khỏe, cây ra hoa kết quả tốt. Vì vậy, ông Hoạt giữ bộ rễ cho cây sầu riêng rất kỹ. Để làm được điều đó, đất phải có độ pH ổn định, vì vậy ông Hoạt sử dụng phân bón rất cân đối, chú trọng phân hữu cơ. Mỗi năm, ông bỏ tầm 75 kg phân hữu cơ cho mỗi gốc sầu riêng, chia làm 3 đợt theo chu kì sinh trưởng của cây. Sầu riêng cần độ ẩm, nhất là vào mùa nắng. Vì vậy, ông kéo nước tưới tới tận từng gốc, tưới xoay, nước phun rộng tới 3 m. Theo ông, tưới rộng giúp làm mát vườn, hạn chế nhện đỏ và một số côn trùng gây hại.
Một kỹ thuật khá đặc biệt được ông Nguyễn Văn Hoạt áp dụng thường xuyên trong canh tác mà ông sẵn sàng chia sẻ cho mọi người, đó là kỹ thuật đảo đất. Theo ông Hoạt, bộ rễ của cây sầu riêng ưa ẩm, vì vậy ông không làm cỏ mà để lại một lớp cỏ dày phủ trên mặt vườn. Cỏ giúp giữ ẩm, làm mát đất, làm nơi cho côn trùng gây hại cư trú, không gây hại cho bộ rễ sầu riêng. Khi cỏ quá cao, ông dùng máy cắt sơ chứ không sử dụng thuốc phun diệt cỏ. Về đảo đất, sau từ 3 - 4 năm canh tác, khi thu hoạch xong, ông cho máy cày toàn vườn, lật lớp đất màu ở dưới lên trên và tranh thủ bón phân.
Ông Hoạt cho biết: “Sau 3 - 4 năm tôi đảo đất vườn 1 lần. Đảo đất phải chọn thu hoạch sầu riêng xong, cày vào mùa nắng, cày xong tranh thủ bón phân tưới vườn. Đảo như vậy giúp lớp cỏ mới mọc đẹp, đất vườn tơi xốp, thoáng khí, giúp sầu riêng phát triển rất tốt”. Hiện tại, ông Hoạt đang trồng thêm 30 cây sầu riêng con. Ông trồng sầu riêng với mật độ thưa, sau đó trồng chuối xen vào vườn. Theo ông Hoạt, cây chuối có tàu lá lớn, bóng mát nhiều, tạo môi trường tốt nhất cho sầu riêng con sinh trưởng. Chuối lại cho thu hoạch hàng năm, đúng phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, sau 2 năm sầu riêng phát triển, có thể chặt chuối, để cây sầu riêng có đủ sáng.
Ông Mai Thành Nhã, Chủ tịch Hội Nông dân xã đánh giá, ông Nguyễn Văn Hoạt là nông dân sản xuất rất tiến bộ. Tuy tuổi cao nhưng ông học hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc vườn hiện đại, sản xuất sầu riêng theo hướng sạch, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Hoạt sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho các nông hộ xung quanh, bà con nông dân cũng thường tới tham quan, trao đổi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng, là một nông dân điển hình của xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc.
DIỆP QUỲNH / LÂM ĐỒNG ONLINE
إرسال تعليق