Theo dự ước của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Lộc (Lạng Sơn), sản lượng hồng không hạt Bảo Lâm trên địa bàn huyện năm 2021 đạt khoảng 1.300 tấn, tăng 11% so với năm 2020, giá cả vẫn giữ được sự ổn định. Đây là niềm vui của những người trồng hồng.
Người dân thôn Kéo Cặp, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc chăm sóc cây hồng không hạt Bảo Lâm. |
Chúng tôi có dịp đến thăm vườn hồng nhà ông Lã Văn Lâm ở xóm Pàn Cù, thôn Kéo Cặp, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc vào những ngày cuối tháng 9/2021, được biết vườn hồng nhà ông Lâm trong nhiều năm qua luôn cho sản lượng và chất lượng hàng đầu của xã, với khoảng 60% quả loại I, giá bán ngoài thị trường lên tới 40.000 đến 50.000 đồng/kg. Ông Lâm chia sẻ: Hiện nay, gia đình tôi có hơn 600 cây hồng, trong đó trên 50% cho thu hoạch. Năm nay, chúng tôi rất vui vì được mùa, ước tính thu hoạch trên 12 tấn quả, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Trong khi giá không có nhiều thay đổi, vẫn dao động từ 20.000 đến 40.000 đồng/kg tùy loại.
Được biết, Hoà Cư hiện là xã có diện tích trồng hồng lớn nhất của huyện Cao Lộc. Những năm gần đây, công tác phục tráng, nhân rộng diện tích hồng không hạt Bảo Lâm là một trong những nhiệm vụ quan trọng huyện giao cho xã tập trung triển khai thực hiện. Ông Hoàng Văn Lương, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tháng 12/2017, UBND huyện Cao Lộc phê duyệt dự án cải tạo, phát triển sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm theo hướng nâng cao hiệu quả, an toàn và bền vững giai đoạn 2017 – 2021. Để thực hiện dự án, từ năm 2018, xã đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách chăm sóc theo quy trình như hướng dẫn của Phòng NN&PTNT huyện. Đồng thời, vận động bà con chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng hồng không hạt Bảo Lâm, loại cây có giá trị kinh tế cao và có thương hiệu của huyện. Đến nay, toàn xã có trên 80 ha, trong đó, khoảng 50 ha cho thu hoạch. Nhờ áp dụng đúng quy trình chăm bón, sản lượng hồng năm nay của xã ước đạt khoảng 300 tấn, tăng trên 30% so với năm 2020, giá cả giữ được sự ổn định so với mọi năm.
Không chỉ tại Hoà Cư, hiện nay, người dân trồng hồng trên địa bàn huyện Cao Lộc đang rất vui vì được mùa, giá cả ổn định. Toàn huyện hiện có 8 xã trồng hồng không hạt Bảo Lâm với tổng diện tích 453,3 ha, trong đó, 224,3 ha cho quả, tổng sản lượng ước đạt 1.300 tấn, tăng 11% so với năm 2020. Đáng chú ý, diện tích hồng theo tiêu chuẩn VietGAP tăng từ 6 ha (năm 2020) lên gấp 5 lần, đạt 30 ha. Được biết, trung bình mỗi năm Phòng NN&PTNT huyện tổ chức từ 10 đến 15 lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trồng hồng theo tiêu chuẩn VietGAP và các nội dung liên quan đến phát triển thương hiệu hồng không hạt. Điều đó đã và đang cho thấy sự nỗ lực của huyện trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng tới xây dựng vùng trồng tập trung và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc cho biết: Vụ hồng năm nay được mùa là kết quả chúng tôi có thể dự đoán trước, bởi thời tiết thuận lợi, bà con chịu khó thực hiện đúng theo quy trình 4 bước chăm sóc mà Phòng NN&PTNT đã hướng dẫn. Với sản lượng tăng lên trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên cả nước, ngay từ tháng 8/2021, chúng tôi đã chủ động liên hệ với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ… để kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm trên trang thông tin điện tử của huyện, các website, mạng xã hội (facebook, zalo, twitter…). Đến nay, một số đơn vị đã có phản hồi tích cực về việc hỗ trợ tiêu thụ, chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm, xem xét và triển khai thêm các giải pháp khả thi khác để giúp đỡ bà con trong khâu tiêu thụ.
Hồng không hạt được mùa hiện đang mang đến cho bà con nông dân huyện Cao Lộc không chỉ niềm vui mà còn là niềm tin vào những chính sách, định hướng, hướng dẫn của huyện trong phát triển kinh tế. Mong rằng hồng không hạt Bảo Lâm sẽ tiếp tục cho người nông dân trái ngọt và ngày càng lan tỏa thương hiệu tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh
ĐẶNG DŨNG / BÁO LẠNG SƠN
Đăng nhận xét