ADS

Sàn giao dịch thương mại điện tử Nông sản An Tâm

Hành trình đưa cây mắc ca về vùng đất biên cương

Với quyết định mạo hiểm, anh Lừu Phừ, thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu (huyện Mường Khương) bắt đầu thu “quả ngọt” nhờ việc đưa cây mắc ca về vùng đất biên giới.

trái cây Lào Cai, đặc sản Lào Cai, trái cây Đông Bắc, trái cây núi rừng, macadamia, macca, mắc ca Bản Lầu, mắc ca Mường Khương, mắc ca Lào Cai, mắc ca Đông Bắc, trồng mắc ca
Anh Phừ thu hoạch quả mắc ca.


Sinh ra ở “thủ phủ” chuối, dứa, anh Lừu Phừ cũng có nhiều năm gắn bó với 2 loại cây này. Nhờ trồng chuối, dứa mà gia đình anh mua được xe máy, xây nhà khang trang, sắm các vật dụng sinh hoạt, nuôi con ăn học. Trước năm 2015, mỗi năm gia đình anh thu hàng trăm triệu đồng từ trồng chuối, dứa. Riêng cây chuối, mỗi năm gia đình anh thu được khoảng 100 triệu đồng. Sản xuất đang thuận lợi thì đồi chuối của gia đình anh bỗng dưng mắc bệnh lạ, cây chuối dần dần vàng vọt, héo lá rồi chết, không thể thu hoạch, anh Phừ không khỏi xót xa, ngày đêm trăn trở tìm loại cây trồng mới.


Cơ duyên với cây mắc ca đến với anh Phừ sau một lần tham gia lớp tập huấn nghề nông nghiệp được tổ chức ở tỉnh. Qua lớp tập huấn này, anh được nghe chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng chia sẻ về tiềm năng phát triển của cây mắc ca ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lào Cai. Rời lớp học, anh có nhiều ấn tượng với loài cây được mệnh danh là “nữ hoàng quả khô” và ấp ủ ý tưởng đưa cây mắc ca về trồng thử nhiệm tại vùng đất biên giới, thay diện tích chuối đã bị sâu bệnh. Tìm hiểu thêm kiến thức về cây mắc ca qua sách báo, internet… anh bàn bạc với vợ vay 50 triệu đồng đầu tư trồng 1 ha.


Thông qua những người bạn, anh Phừ liên hệ với một vườn ươm cây mắc ca ở tỉnh Đắk Lắk để mua cây giống. 360 cây mắc ca giống được chuyển từ Đắk Lắk đến Thanh Hóa thì gặp trục trặc không thể chuyển ra theo đúng dự kiến. Anh Phừ phải bắt xe từ Lào Cai vào Thanh Hóa để tận tay đưa cây giống về Bản Lầu. Quyết định trồng cây mắc ca đầy mạo hiểm khiến anh phải chịu sự phản đối của không ít người thân, họ hàng trong gia đình.


Theo anh Phừ, việc trồng và chăm sóc cây mắc ca cũng không quá khó và mất nhiều công sức. Cây mắc ca trồng ở thôn Na Lốc 2 phát triển khá tốt, không sâu bệnh. Mỗi năm, gia đình chỉ cần 2 lần phát cỏ, 1 lần bón phân, 1 lần tỉa cành là cây tự phát triển. Ngoài thời gian chăm sóc cây mắc ca, gia đình anh vẫn trồng hơn 3 vạn gốc dứa, cấy lúa và những công việc khác.


Mất 5 ngày để đưa cây mắc ca từ Đắk Lắk về Bản Lầu nhưng vợ chồng anh Phừ phải mất 5 năm để chứng minh quyết định của mình là đúng. “5 năm ròng rã, vợ chồng tôi nhiều đêm lo lắng đến mất ngủ bởi nếu mắc ca không cho quả thì mọi nỗ lực sẽ thành con số 0. Đến năm thứ 5, khi mắc ca lần đầu ra hoa, đậu quả rồi cho thu hoạch lứa đầu, vợ chồng tôi đã khóc vì vui mừng”, anh Phừ chia sẻ.

trái cây Lào Cai, đặc sản Lào Cai, trái cây Đông Bắc, trái cây núi rừng, macadamia, macca, mắc ca Bản Lầu, mắc ca Mường Khương, mắc ca Lào Cai, mắc ca Đông Bắc, trồng mắc ca
Năm 2021, vườn mắc ca của anh tiếp tục cho thu hoạch 250 kg quả tươi. 


Năm 2020, vụ mắc ca đầu tiên, anh Phừ thu hoạch được hơn 100 kg quả tươi, bán giá hơn 100 nghìn đồng/kg. Năm 2021, vườn mắc ca của anh tiếp tục cho thu hoạch 250 kg quả tươi. Anh Phừ cho biết: Cây mắc ca càng nhiều năm tuổi thì càng sai quả, hiện cây cho năng suất nhất đạt 5 kg/vụ.


Để giúp anh Phừ phát triển mô hình, tháng 4/2021, các chuyên gia của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, trong đó có chuyên gia Nguyễn Lân Hùng liên hệ về tận nơi tư vấn kỹ thuật chăm sóc, tỉa tán, bón phân để nâng cao năng suất, chất lượng và kỹ thuật sơ chế, tìm đầu ra cho hạt mắc ca.


Diện tích nhỏ, sản lượng chưa lớn, nên đầu ra của hạt mắc ca tươi của gia đình anh Phừ khá ổn định. Mỗi vụ thu hoạch mắc ca, người dân trong vùng và một số đầu mối tiêu thụ thường đặt mua rất nhanh. Thời gian tới, anh Phừ dự kiến mở rộng diện tích, trồng thí điểm giống mắc ca mới, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt.


Chị Vũ Thị Ngọc Bích, quản lý siêu thị quà tặng Tây Bắc (Sa Pa) cho biết "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với anh Phừ hoàn thiện hồ sơ kiểm định chất lượng, sơ chế, chế biến hạt mắc ca theo quy trình liên kết khép kín để đưa sản phẩm mắc ca có nguồn gốc Lào Cai đến với người tiêu dùng. Điều quan trọng đó là phải cam kết chất lượng, sản xuất theo các quy chuẩn, đảm bảo an toàn và nâng cao sản lượng hạt mắc ca, đáp ứng nhu cầu của thị trường".


Nói về việc trồng cây mắc ca, ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương chia sẻ: Việc trồng cây mắc ca ở Bản Lầu là do người dân tự phát, huyện cũng chưa có kế hoạch đưa cây trồng này vào định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương. Qua khảo sát, đánh giá, cây mắc ca cũng chưa đạt được năng suất mong muốn, chưa có doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm nên ngành nông nghiệp huyện không khuyến khích người dân phát triển ồ ạt.


Nữ hoàng quả khô” mắc ca đã bước đầu bén duyên và cho “quả ngọt” ở mảnh đất biên cương Bản Lầu. Tuy nhiên, có thể phát triển, mở rộng diện tích cây trồng này ở Lào Cai hay không thì vẫn cần các ngành chuyên môn vào cuộc để đánh giá, định hướng cho người dân. Nếu phù hợp, mắc ca cũng có thể trở thành cây trồng mới, giúp người dân nâng cao thu nhập.


Đức Phương | Báo Lào Cai

Bình luận

Mới hơn Cũ hơn

Vietnam Logistics and Aviation School

Chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản miền Tây tươi - sạch - ngon