Ngược đèo Pha Đin thời điểm này, những cây sơn tra đang chín rộ, quả vàng ruộm, trĩu cành bên sườn đồi. Những tưởng cuộc sống của người trồng sơn tra ở Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) sẽ khấm khá hơn; song ngược với cảnh tượng ấm no chúng tôi mường tượng ấy là những quả sơn tra rụng đầy gốc. Thay vì “chợ” sơn tra họp ven quốc lộ nhộn nhịp người mua bán thì vụ sơn tra này thu hoạch rồi chẳng ai hỏi mua, không ít hộ phải thêm công gom quả rụng, đi cả quãng xa, đào hố chôn vì sợ chua, hỏng đất...
Quả rụng đầy gốc, bán chẳng người mua
Xung quanh ngôi nhà gỗ nhỏ dựng bám sườn đồi của gia đình chị Giàng Thị Súa, bản Lồng trồng cả trăm gốc sơn tra, cây nào cây nấy trĩu cành. Từ bán sơn tra những năm trước đã giúp gia đình chị có thêm thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm. Chị Súa cho biết, sơn tra vào vụ từ tháng 7 tới tháng 9 và chính vụ là tháng 8 hàng năm. Thu hoạch sơn tra rồi đem bán ở ven đường dọc đỉnh đèo Pha Đin - các điểm dừng chân trên quốc lộ 279, nhiều du khách đi tuyến Điện Biên về xuôi và ngược lại mua về làm quà, sử dụng. Ngoài ra, sơn tra còn được gia đình chị chế biến bằng cách băm quả phơi khô, ngâm rượu sơn tra... phục vụ người tiêu dùng.
Bao năm qua, không riêng gia đình chị Súa mà hàng trăm hộ nơi đỉnh đèo Pha Đin đã trồng những vườn sơn tra phủ khắp các sườn đồi để tăng thu nhập, thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Chưa bao giờ sơn tra vào vụ lại rơi vào cảnh ế ẩm như năm nay. Chị Súa cho biết, năm trước cũng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng xe khách chạy liên tỉnh cũng bị hạn chế nên giá bán quả sơn tra dù thấp cũng được 3.000 - 4.000 đồng/kg nhưng còn có người mua. Giá thấp mà bán được như vụ trước còn vớt vát chút tiền chứ cứ như vụ này bán chẳng ai mua thì buồn quá, khó khăn quá chả biết trông vào đâu để trang trải cuộc sống, con cái bắt đầu vào năm học, nhiều khoản mua sắm phải cần tới tiền. Bán không người mua nên gia đình chị Súa cũng như nhiều hộ khác trong xã để mặc cho sơn tra chín rụng đầy gốc. Những hộ có diện tích trồng sơn tra khoảng 4 - 5ha ở Tỏa Tình như hộ ông Mùa A Lâu (bản Lồng), Mùa A Tòng (bản Hua Sa A)… năm nay xót xa, tiếc của cũng đành để sơn tra chín rụng.
Tỏa Tình là xã vùng cao có diện tích trồng sơn tra lớn nhất huyện Tuần Giáo với 150ha, tập trung ở 6/7 bản, hiện có 30.000 cây đang cho thu hoạch quả. Xác định sơn tra là một trong số cây chủ lực giúp người dân thoát nghèo nên vụ thu hoạch năm nay từ cấp ủy, chính quyền xã đến người trồng sơn tra như ngồi trên “đống lửa” do không tiêu thụ được vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Hi vọng xóa nghèo, tăng thu nhập từ loại cây này của người dân xã Tỏa Tình đã tan biến. Không những thiệt hại về kinh tế do không thể bán quả mà những người trồng sơn tra lại thêm nỗi lo quả rụng làm hại, chua đất. Vì thế trong khi chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm thì không ít hộ đã phải gom quả rụng đào hố để chôn.
Vườn sơn tra của gia đình chị Mùa Thị Súa (bản Lồng) quả chín rụng đầy gốc do không có người mua. |
Cần kịp thời “giải cứu”
Ước tính sản lượng sơn tra năm 2021 trên địa bàn xã Tỏa Tình khoảng 1.000 tấn quả tươi. Những năm trước với sản lượng này, tiêu thụ dễ dàng đã giúp nông dân vơi phần khó khăn, cải thiện cuộc sống. Chị Giàng Thị Pảng, bản Hua Sa B nhớ lại: Khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 bán ven đường quả chọn 30.000 đồng/kg; bán đổ cũng từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Nhưng nay thì giá bán 1.000 - 2.000 đồng/kg quả tươi cũng chẳng có người hỏi mua. Tiếc của, tôi cùng các gia đình trong bản băm sơn tra phơi khô để bán dần, song thời tiết chẳng ủng hộ khi mưa nhiều, độ ẩm cao, tuần vừa qua mưa rả rích nên dù mất công rửa sạch, thái lát để phơi cũng đành đổ bỏ vì không có nắng.
Dẫn chúng tôi tới những vườn sơn tra ở bản Lồng sai trĩu cành, chín vàng và phân nửa đã rụng dưới gốc, ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình thông tin: Cùng với cây sa nhân và cà phê thì sơn tra trở thành cây trồng chính nhiều năm qua giúp đồng bào Mông nơi đây thoát nghèo, phát triển kinh tế. Đặc biệt cây sơn tra dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên không tốn công chăm sóc, hàng năm năng suất cao, chất lượng quả tốt giúp bà con có thu nhập ổn định. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên vụ sơn tra năm nay không thể tiêu thụ ra ngoài tỉnh vì xe khách đã dừng chạy chuyến liên tỉnh, xe tải dù còn hoạt động, song cước vận chuyển lại quá cao. Để giải quyết đầu ra cho quả sơn tra, xã Tỏa Tình đã đề nghị các tổ chức hội, đoàn thể tìm các đầu mối, “kênh” bán hàng cho người dân; vừa vận động người dân phơi khô kéo dài thời gian sử dụng để bán sau dịch, song vì trùng mùa mưa bà con lại làm thủ công, không có cơ sở, xưởng sơ chế, phơi sấy nên bị ẩm mốc, đành bỏ.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tỏa Tình đã thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc xã Tỏa Tình để giới thiệu, bày bán nông sản, trong đó có quả sơn tra cho người dân trong xã, song sức tiêu thụ cũng không mấy khả quan. Chị Vàng Thị Sua, Chủ tịch Hội, thành viên Hợp tác xã cho biết: Chị em cũng đã gọi điện liên hệ với các cơ sở sản xuất, chế biến quả sơn tra ngoài tỉnh theo đầu mối những năm trước, nhưng vì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên các cơ sở sản xuất này phần vì dừng hoạt động, phần giảm công suất nên lựa chọn hàng từ các tỉnh lân cận để giảm giá thành sản phẩm nên từ chối đặt hàng. Hợp tác xã cũng tổ chức trưng bày, giới thiệu các nông sản tại khối Trường Xuân, thị trấn Tuần Giáo vào thứ 3 và thứ 7 hàng tuần; có để lại số điện thoại liên hệ đầu mối bán hàng giúp bà con; song cũng chưa có người đặt hàng với số lượng lớn.
Trước thực trạng sơn tra vào vụ không thể tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xã Tỏa Tình đã báo cáo huyện Tuần Giáo đề nghị tìm giải pháp tiêu thụ quả sản phẩm cho người dân. Tuy nhiên tới nay, cách nào để tiêu thụ sản phẩm cho bà con vẫn là bài toán chưa lời giải khi mà sơn tra vẫn rụng đầy gốc.
Minh Thùy - Mai Phương | Báo Điện Biên
Đăng nhận xét