Những năm qua, cây nhãn Hương chi đã được trồng nhiều tại xã Ea Pil, huyện M’Drắk và mang lại thu nhập cao cho người dân vùng đất này.
Nông dân Nguyễn Xuân Thúy (giữa) ở thôn 4, xã Ea Pil, huyện M'Drắk chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây nhãn. |
Gia đình ông Nguyễn Đình Phố (thôn 4) trước đây có 3 ha đất trồng cây ngắn ngày. Năm 2011, ông ra miền Bắc mua hơn 1.500 cây nhãn Hương chi về trồng trên toàn bộ diện tích vườn. Ông Phố cho biết, giống nhãn này phù hợp với đất đai, khí hậu ở đây nên phát triển tốt, sau khi trồng từ 2,5 - 3 năm thì cho thu hoạch với năng suất cao, trung bình mỗi cây lâu năm cho sản lượng từ 50 - 60 kg, còn những cây thu bói đạt 25 - 30 kg. Nhãn được thương lái đến thu mua tận vườn với giá 23.000 - 25.000 đồng/kg; dịp lễ, tết thì giá lên tới 35.000 đồng/kg. Từ vườn nhãn này, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Tương tự, gia đình anh Phạm Đăng Lâm (thôn 9) cũng trồng gần 3.000 cây nhãn Hương chi trên diện tích 5 ha từ 4 năm nay. Theo anh Lâm, cây nhãn không cần đất có độ mùn, dinh dưỡng cao, việc chăm sóc không khó, ít tốn công mà mỗi héc-ta cho thu nhập hơn 150 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với khi anh trồng mía trước đây. Riêng đợt hái lứa bói vào tháng 7 vừa qua trên diện tích 2 ha, gia đình anh thu được 15 tấn nhãn bán với giá 25.000 đồng/kg, thu về 400 triệu đồng.
Nhãn Hương chi được hai hộ dân xã Ea Pil đưa giống từ Hưng Yên về trồng đầu tiên tại địa phương cách đây khoảng 20 năm và phát triển mạnh từ những năm 2015 – 2017. Hiện toàn xã có khoảng 500 ha nhãn, chủ yếu chuyển đổi từ những khu vực đất đồi, đất pha cát trước đây trồng sắn, mía, ngô, đậu… hiệu quả kinh tế thấp.
Những năm đầu, cây nhãn trồng ở đây chỉ ra quả theo đúng thời vụ của tự nhiên, nhưng do khí hậu khác với miền Bắc nên quả ít, chất lượng không tốt. Đến nay, nông dân nắm rõ đặc tính sinh trưởng của cây và khí hậu địa phương nên đã biết cách xử lý để cây nhãn cho quả trái vụ, thậm chí là ra bất kỳ thời điểm nào trong năm. Đa phần bà con cho nhãn ra hoa vào đầu tháng 5 đến tháng 8 âm lịch và thu hoạch vào tháng Chạp đến tháng 3 năm sau. Lúc này đúng dịp Tết, đầu năm, nhu cầu thị trường lớn trong khi nhãn miền Bắc không có nên dễ tiêu thụ.
Ưu điểm của nhãn trồng ở xã Ea Pil là quả to, ngọt, thơm và cùi dày nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đối với 1 ha đất vùng này có thể thâm canh 600 cây nhãn, chi phí đầu tư không quá 100 triệu đồng/năm, đến năm thứ 5 đạt năng suất ổn định 20 tấn/năm, với giá bình quân hiện nay 23.000 đồng/kg, cho thu nhập 400 triệu đồng/năm. Sản phẩm được thương lái mua tận vườn.
Vườn nhãn mới thu hoạch xong của gia đình ông Nguyễn Đình Phố (thôn 4, xã Ea Pil, huyện M’Drắk). |
Theo đánh giá của UBND xã Ea Pil, tuy cây nhãn đã bước đầu khẳng định được vị thế, sản phẩm được đưa đi nhiều tỉnh thành trong cả nước, song việc phát triển loại cây ăn trái này vẫn còn những bất cập.
Cụ thể, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế, chỉ có khoảng 30% số hộ có thể canh tác với quy trình kỹ thuật bài bản. Trên địa bàn xã đã bước đầu hình thành các tổ, nhóm hợp tác trồng nhãn, nhưng mối liên kết chưa chặt chẽ nên khả năng sản xuất đồng bộ trên diện tích lớn để tạo lượng hàng lớn, chất lượng đồng đều cho thương lái theo từng thời điểm là chưa thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, việc sản xuất của người dân còn manh mún, thiếu tính bền vững và nhãn chưa tạo được thương hiệu nên bị nhầm lẫn với sản phẩm khác trên thị trường.
Ông Hoàng Biên Phòng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pil cho biết, chính quyền địa phương xác định nhãn Hương chi là cây chủ lực trong phát triển kinh tế. Để cây nhãn “cắm rễ sâu” vào vùng đất đồi này, xã khuyến khích bà con tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhãn, nhưng không trồng ồ ạt mà chỉ trồng diện tích nhỏ sau đó mở rộng dần trên những vùng đất phù hợp, đủ nước tưới, địa hình dễ vận chuyển nhằm tránh những rủi ro.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp, các ngành để phát triển vùng chuyên canh nhãn quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật để cho sản phẩm chất lượng tốt, xây dựng mã vùng trồng và tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Có như vậy, nhãn Hương chi mới thực sự phát triển bền vững trên đất đồi Ea Pil, góp phần phát triển kinh tế địa phương và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Phòng nhấn mạnh.
Minh Chi – Khánh Huyền / Báo Đắk Lắk
Đăng nhận xét