Cây si rô không còn xa lạ với người chơi kiểng. Tuy nhiên, trồng đại trà để thu hoạch trái bán thì không phải nông dân nào cũng biết. Trái si rô khi vừa chín tới có màu đỏ tươi, vị ngọt, thơm, thường được sử dụng để ngâm với đường làm mật si rô, dùng để giải khát hoặc làm màu, gia vị trong chế biến thực phẩm…
Trái si rô chín có màu sắc rất đẹp, có thể dùng để chế biến nhiều loại thức uống ngon miệng, dinh dưỡng. |
Anh Nguyễn Thành Dảo (ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đang sở hữu vườn si rô rộng 3.000m2 với 100 gốc, được trồng xen cùng xoài, mít Thái, mãng cầu Thái. Cũng giống như nhiều nông dân khác, trước giờ anh Nguyễn Thành Dảo chỉ nghe đến tên, chứ chưa tận mắt thấy trái si rô. Một lần, đi mua cây giống ở huyện Tri Tôn, được chủ vựa cây giống giới thiệu trái si rô “rất có giá trị về kinh tế”, anh hỏi thêm nhiều thông tin. Người bán cây giống nhiệt tình giải thích, còn hợp đồng sẽ thu mua lại trái chín sau khi thu hoạch với giá cả ổn định. Thấy vậy, anh Dảo mạnh dạn đầu tư 100 cây giống, trồng xen vào vườn cây ăn trái của gia đình.
“Lúc đem cây về trồng, chưa nhiều người biết đến. Người biết thì chỉ trồng làm kiểng. Thiếu kinh nghiệm chăm sóc, tôi thường lên mạng tìm hiểu. So với các loại cây ăn trái khác, cây si rô rất dễ chăm sóc, hầu như không bị sâu bệnh tấn công. Bởi vậy, không cần xịt thuốc, tưới phân nhiều” - anh Dảo thông tin. Cây si rô trồng bằng hạt mất 2 năm mới cho trái đợt đầu tiên, còn trồng bằng phương pháp chiết nhánh kèm thêm chăm sóc tốt khoảng 8 tháng đến 1 năm bắt đầu cho trái. Thông thường cây si rô ra hoa từ tháng 2 (âm lịch), chín từ tháng 7, 8 (âm lịch). Sau 1 năm rưỡi chăm sóc, vườn si rô nhà anh Nguyễn Thành Dảo cho thu hoạch đợt trái chín đầu tiên.
“Chắc nhờ cây chịu vùng đất phù sa tơi xốp, nên gốc si rô trong vườn phát triển rất tốt, cao và vươn tàng sum suê. Dù cho trái đợt đầu, nhưng cây nào cây nấy trái chín đỏ rực. Ban đầu nghe nói cây si rô, tôi không nghĩ trái to, chín, đỏ tươi. Đem nấu nước uống thử có vị ngon, thơm” - anh Nguyễn Thành Dảo thông tin.
Tuy nhiên, trái si rô chín trùng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc tiêu thụ gặp ảnh hưởng. Trước đó, lúc bắt đầu trồng, anh Dảo kết nối với nơi bán cây giống, tiêu thụ trái chín với giá 60.000 đồng/kg. Đang lúc giãn cách xã hội, thương lái không đến địa phương thu mua được. Thành ra, anh Dảo nhờ Xã đoàn Hòa An giới thiệu, kết nối và bán được số lượng ít cho bà con ở địa phương.
Bí thư Xã đoàn Hòa An Đặng Thị Linh cho biết, trong lần chuyển hàng hỗ trợ bà con ở địa phương (mua hàng thiết yếu trong những ngày giãn cách xã hội), chị biết vườn si rô của anh Nguyễn Thành Dảo đang vào mùa thu hoạch với số lượng khoảng 1 tấn trái. Xã đoàn cung cấp thông tin của anh Dảo để chia sẻ, giới thiệu trên mạng xã hội Facebook, Zalo, hỗ trợ anh tìm nguồn tiêu thụ. Tuy nhiên, do trái si rô thuộc mặt hàng mới, mọi người chưa biết đến, thêm phần khó vận chuyển, nên số lượng tiêu thụ chưa nhiều. “Nếu có người ở trong xã mua, Xã đoàn sẽ hỗ trợ vận chuyển miễn phí. Có nhiều khách hàng ở các địa phương khác liên hệ mua, nhưng không vận chuyển được nên chúng tôi từ chối” - chị Linh thông tin.
Hiện tại, ngoài bán trái si rô, anh Nguyễn Thành Dảo hướng đến việc bán cây giống cho bà con nông dân trong và ngoài địa phương. Thay vì ươm giống từ hạt như nhiều người đã làm trước đây, anh Dảo thử nghiệm phương pháp chiết cành, nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, nhanh phát triển, đậu trái.
Thấy trái si rô rất tiện dụng, có thể dùng ăn tươi, làm gia vị thay chanh, làm mứt, ngâm rượu hoặc nấu si rô, anh Dảo muốn giới thiệu rộng rãi đến với người tiêu dùng gần xa, mở ra hướng phát triển kinh tế nông hộ. “Đợt trái đầu tiên nhìn thấy ham quá mà không bán được, tôi rất buồn. Nhưng dịch bệnh ảnh hưởng chung nên đành chịu, mong bán được ít trái chín còn lại trong vườn để mình an tâm chăm sóc, chờ đợt trái sau” - anh Dảo bày tỏ.
Theo nhiều tài liệu khoa học, cây si rô có tên khoa học là Carissa carandas, thuộc họ trúc đào, xuất xứ và sử dụng nhiều ở các nước, như: Indonesia, Ấn Độ… Si rô thuộc loại cây thân gỗ nhỏ, dạng bụi, sống lâu năm, chiều cao khoảng 2-4m. Cây si rô càng lớn càng cho nhiều trái. Đặc biệt, trái si rô đổi màu liên tục: lúc trái non có màu trắng, rồi chuyển sang hồng, đỏ, khi chín mùi thì chuyển hẳn thành màu tím. Trái si rô non có vị chua, có thể dùng làm gia vị; khi chín có vị ngọt nên dùng làm nhiều món ăn, thức uống… và có mùi thơm si rô rất đặc trưng.
ÁNH NGUYÊN / AN GIANG ONLINE
Đăng nhận xét