Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu nông sản ngày càng khó khăn, vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn Sơn La đã và đang đẩy mạnh chế biến đa dạng hóa sản phẩm, giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, chinh phục được nhiều thị trường nước ngoài.
Công nhân phân loại long nhãn trước khi đóng gói. |
Với kinh nghiệm gần 20 năm kinh doanh các loại nông sản, tháng 9/2020, chị Nguyễn Bích Ngọc (Mai Sơn) đã thành lập Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La với ngành nghề chính là chế biến và bảo quản rau quả; trong đó, sản phẩm đầu tiên đưa vào chế biến là quả nhãn. Cơ sở chế biến nhãn của Công ty được đặt tại tổ 6, phường Chiềng Sinh (Thành phố) quy mô 1.000 m², khu vực lò sấy, nhà phân loại và đóng gói sản phẩm được bố trí riêng biệt, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Các công nhân được trang bị bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang... đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 và vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất.
Chị Ngọc chia sẻ: Trước đây, kỹ thuật sấy long nhãn còn hạn chế, người dân thường sấy bằng than, củi, làm cho màu sắc của long nhãn sấy khô thâm đen, hương vị của nhãn sấy bị ảnh hưởng, dễ bị mùi khét, cháy. Các mẻ sấy cũng không đồng đều về chất lượng, độ ẩm... dẫn đến giá bán của sản phẩm không ổn định, nhất là đối với thị trường nước ngoài, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, khi thành lập Công ty, tôi đã đi tìm hiểu, quyết tâm thay đổi phương pháp sấy nhãn để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện, Công ty đã đầu tư 5 lò sấy với công suất 5 tấn quả tươi/ngày, tổng mức đầu tư trên 900 triệu đồng. Lò sấy này được cải tiến, thay vì đốt than, củi trực tiếp dưới dàn sấy theo kiểu truyền thống, bằng việc đốt củi bên ngoài, sau đó dẫn nhiệt sạch qua hệ thống ống vào trong khoang sấy. Phương pháp này giúp nhiệt trong khoang sấy đều hơn, không có khí CO2 bám vào sản phẩm như cách sấy truyền thống, nên chất lượng long nhãn được đảm bảo từ mẫu mã, màu sắc đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện, Công ty có 2 sản phẩm được chế biến từ quả nhãn tươi là long nhãn và quả nhãn sấy. Vụ nhãn năm nay, Công ty đã thu mua trên 3.000 tấn quả nhãn tươi cho bà con để chế biến. Đến thời điểm này, Công ty đã xuất bán khoảng 200 tấn long nhãn, 100 tấn quả sấy sang thị trường Trung Quốc, giá bán bình quân từ 130.000-140.000 đồng/kg. Đồng thời, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương.
Chị Mùi Thị Liên, tiểu khu 20, thị trấn Hát Lót, làm công nhân được 3 tháng nay, thông tin: Tôi đã đi bóc long nhãn ở rất nhiều nơi, nhưng từ khi vào làm việc tại Công ty, chúng tôi được hướng dẫn cách xoáy nhãn và giữ vệ sinh trong quá trình chế biến. Công việc ở đây không khó, chỉ cần chịu khó, mỗi tháng bình quân thu nhập 7 triệu đồng/người.
Đầu tư vào chế biến là giải pháp nâng cao giá trị nông sản, góp phần giải quyết tình trạng “được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên trong sản xuất nông nghiệp. Hiện, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La đang tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quả nhãn sấy và long nhãn, hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu chào hàng sang thị trường nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ tại các siêu thị, điểm du lịch; thiết kế đa dạng mẫu mã bao bì, đáp ứng tâm lý, nhu cầu của khách hàng, hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
Nguyễn Yến / Báo Sơn La
Đăng nhận xét