Với vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, Bát Xát có lợi thế để phát triển vùng cây ăn quả nhiệt đới, ôn đới. Những năm qua, người dân Bát Xát đã tận dụng lợi thế đó phát triển một số loại cây ăn quả.
Cây lê tai nung mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ ở vùng cao Bát Xát. |
Năm 2015, gia đình ông Tẩn Phù Sài, thôn Kin Chu Phìn 1, xã Nậm Pung trồng hơn 1 ha lê tai nung. Đến năm 2018, diện tích lê tai nung đã cho thu hoạch quả, thêm nguồn thu cho gia đình ông. Ông Sài cho biết: Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi trồng lê tai nung thay thế một số diện tích trồng cây ngô. Cây lê tai nung rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Nậm Pung, quả ngọt, mát, thơm, được thương lái đến tận vườn thu mua. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ lựa chọn thêm diện tích đất phù hợp để trồng loại cây này.
Thời gian gần đây, xã Nậm Pung được biết đến là vựa lê tai nung của huyện Bát Xát, với tổng diện tích khoảng 110 ha, trong đó có hơn 50 ha đã cho thu hoạch quả ổn định. Bà Nông Thị Hiên, cán bộ khuyến nông xã Nậm Pung thông tin: Nhiều năm qua, quả lê tai nung của Nậm Pung được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Cây lê tai nung đã giúp nhiều hộ ở Nậm Pung thoát nghèo, thậm chí vươn lên thành hộ khá.
Trên địa bàn huyện Bát Xát, cây lê tai nung được trồng nhiều ở các xã Nậm Pung, Pa Cheo, Y Tý… diện tích ước đạt 250 ha, trong đó có khoảng 100 ha đã cho thu hoạch. Vụ lê năm 2021, huyện Bát Xát đã thu khoảng 150 tấn quả, với giá bán bình quân từ 30 nghìn đến 40 nghìn đồng/kg. Theo khảo sát của ngành chức năng, trên địa bàn huyện Bát Xát có khoảng 500 ha đất nương, đồi có thể chuyển đổi sang thâm canh cây lê tai nung.
Nông dân Bát Xát chăm sóc cây xoài giòn. |
Giữa năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhiều mặt hàng nông sản khó tìm được thị trường tiêu thụ, trong đó có quả xoài giòn của nông dân Bát Xát. Mặc dù giá bán chỉ 10 nghìn đến 15 nghìn đồng/kg (bằng 30% so với năm trước), nhưng gần 1 ha xoài giòn cũng mang lại cho gia đình ông Trần Thắng, thôn Cửa Suối, xã Nậm Chạc gần 40 triệu đồng. Năm 2017, gia đình ông Thắng đã đầu tư gần 20 triệu đồng mua giống, phân bón trồng hơn 400 gốc xoài giòn. Sau 3 năm trồng, cây xoài giòn sinh trưởng, phát triển tốt và cho lứa quả đầu tiên. Ông Thắng cho biết: Gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích đất ven sông trước đây trồng ngô sang trồng xoài giòn. Cây xoài giòn rất hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, lớn nhanh, quả to, ngọt, thơm… Những năm trước, quả xoài giòn thu hoạch đến đâu được thương lái đến tận vườn mua. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đầu ra hơi khó khăn, nhưng tôi vẫn bán hết hơn 3 tấn quả. Tới đây, gia đình tôi tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng xoài giòn.
Các xã như A Mú Sung, Nậm Chạc, Cốc Mỳ, Bản Qua điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để trồng các loại cây ăn quả nhiệt đới, trong đó có xoài giòn. Huyện Bát Xát hiện có 7,2 ha xoài giòn với khoảng 5 ha đã cho thu hoạch. Không chỉ cây xoài giòn, mà một số loại cây ăn quả nhiệt đới như nhãn, nho… cũng được nông dân Bát Xát trồng thử nghiệm trong những năm qua.
Theo ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, huyện đang phối hợp với các viện nghiên cứu nông nghiệp, cơ quan chuyên môn của tỉnh khảo sát, đánh giá điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tìm giống cây ăn quả phù hợp để đưa vào canh tác. “Quan điểm của chúng tôi là tập trung trồng các loại cây ăn quả theo hướng hữu cơ, đồng thời liên kết với các cơ quan chuyên môn tìm kiếm thị trường và đầu ra ổn định cho sản phẩm” - ông Trung nói.
Với những lợi thế riêng có, huyện Bát Xát đủ điều kiện để trở thành vùng cây ăn quả lớn của tỉnh. Khi đó, cây ăn quả sẽ là cây trồng chủ lực, giúp người dân Bát Xát thoát nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới bền vững.
Trung Nguyên / Báo Lào Cai
إرسال تعليق