Thời gian qua, nắng nóng gay gắt kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh đã làm các diện tích chuyên canh trồng cây ăn quả ở vùng gò đồi K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, với các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi…, nắng hạn đã làm hầu hết diện tích bị héo rũ, rụng quả, chậm phát triển. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời trong việc chống hạn thì có nguy cơ mất trắng toàn bộ.
Một số cây cam trong vườn của ông Trần Ngọc Nhơn đã có dấu hiệu bị chết khô - Ảnh: T.Q |
Nếu như những năm trước, vào thời điểm này vườn cam và bưởi rộng hơn 3 ha của ông Trần Ngọc Nhơn ở vùng K4, xã Hải Phú luôn xanh mướt và trĩu quả thì năm nay, sau các đợt nắng hạn gay gắt hầu hết đều đã bị héo rũ. Quả cam, bưởi tăng trưởng chậm, phần bị rụng, số còn lại trên cây do thiếu nước đã bắt đầu héo mềm. Trao đổi với chúng tôi, ông Nhơn cho biết, từ khi lên lập nghiệp ở vùng K4 đến nay đã được 20 năm nhưng chưa năm nào ông chứng kiến hạn hán khốc liệt như năm 2021 này. Mặc dù đã đầu tư gần 50 triệu đồng để nạo vét các khe suối nhằm tăng dung tích dự trữ nhưng nắng nóng gay gắt kéo dài kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh, lượng nước bốc hơi nhanh đã làm toàn bộ 4 hồ chứa nước dự trữ của ông bị cạn kiệt hoàn toàn.
Nắng hạn cũng đã làm 2 giếng khoan sâu từ 35 - 40 m không đủ nước để bơm tưới. Hệ thống tưới tiết kiệm cũng bị vô hiệu hóa do không có nước. Theo ông Nhơn, thông thường như mọi năm thì đến rằm tháng 7 âm lịch là ông bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cam, khoảng rằm tháng 8 âm lịch thì bắt đầu thu hoạch bưởi nhưng năm nay do ảnh hưởng của nắng hạn nên đa số quả trên cây đều chưa đạt kích cỡ. Đến thời điểm này kích cỡ cam trên cây chỉ mới đạt từ 10 - 15 quả/kg, bưởi chỉ từ 0,1 - 0,2 kg/quả trong khi những năm trước đã đạt từ 3 - 5 quả/kg đối với cam và 1,2 - 1,5 kg/quả đối với bưởi. “Nắng hạn đã làm bưởi thành cam, còn cam thì thành chanh”, ông Nhơn ngao ngán nói.
Cũng tại vùng trồng cam K4, dẫn chúng tôi ra vườn cam chỉ xuống hồ nước sâu gần 9 m, dung tích hàng ngàn mét khối nhưng hiện chỉ còn chút ít nước dưới đáy, ông Trần Minh Tâm không giấu được vẻ lo lắng cho hay, chưa bao giờ người trồng cam phải đối mặt với hạn hán khốc liệt như năm nay. Mặc dù đã đầu tư gần 40 triệu đồng để đào hồ dự trữ nước nhưng đến nay đã bơm tưới hết để chống hạn. Nguồn nước tưới từ các khe suối nhỏ, nước ngầm đã cạn kiệt. Thậm chí nước sinh hoạt cũng đã bắt đầu khan hiếm thì lấy đâu ra nước để tưới cho cây. Năm 2020, mưa lớn dài ngày đã làm toàn bộ diện tích cam, bưởi của gia đình ông bị ngập úng, rụng quả, thất thu hàng trăm triệu đồng. Để phục hồi vườn cây, gia đình ông đã tập trung chăm sóc, bón phân. Cây vừa mới phục hồi, ra hoa đậu quả chưa được bao lâu thì lại gặp hạn hán. Nếu thời tiết tiếp tục nắng hạn, không có mưa kịp thời trong vài ngày tới thì toàn bộ gần 2 ha trồng cam của gia đình ông sẽ đối mặt với nguy cơ mất trắng.
Theo ghi nhận, hầu hết các hộ trồng cam ở vùng K4 hiện rất lo lắng về “số phận” các vườn cam của mình. Nguyên do là hầu hết các khe suối trong vùng đều đã cạn kiệt; các giếng khoan cũng không còn đủ nước để bơm tưới nên đã hết cách “giải cứu” vườn cam. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Trần Ngọc Nhơn cho biết, trong vài ngày tới nếu không có mưa thì không có cách nào khác là phải khẩn cấp khoan giếng sâu hơn để lấy nước chống hạn cho cây trồng. Nếu không thiệt hại còn có thể tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, với chi phí cho một chiếc giếng khoan sâu 80 m từ 40 - 50 triệu đồng và 1 giếng chỉ tưới được cho khoảng 1 - 1,2 ha thì đây thực sự là một “bài toán” khó đối với người dân. “Sống cùng cây cam, cây bưởi gần 20 năm. Chăm sóc từng cây từ khi bắt đầu trồng xuống cho đến nay. Giờ ngày nào cũng phải chứng kiến cây héo rũ, rụng quả người trồng chúng tôi đau lòng lắm. Nếu không có nước tưới thì không chỉ thất thu từ 80 - 90%, thậm chí mất trắng trong mùa vụ năm nay mà còn khó giữ được cây”, ông Nhơn xót xa nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú Lương Trung Quốc thông tin, đến thời điểm này toàn bộ gần 34 ha diện tích trồng cây ăn quả tại vùng K4 đang bị thiếu nước nghiêm trọng. Cây có hiện tượng rũ lá, rụng trái, vàng trái, quả nhỏ, một số cây đã bắt đầu bị chết khô. Nguyên nhân là do hầu hết diện tích sử dụng nguồn nước tưới được lấy từ khe suối, ngăn đập và đào hồ để dự trữ. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh làm nước bốc hơi nhanh. Hầu hết các hồ đập, khe suối dùng để tích trữ nước tưới đều đã khô cạn.
Theo ông Quốc, những năm trước, khi “mưa thuận, gió hòa”, diện tích trồng cam, bưởi tại vùng K4 này cho thu nhập từ 250 - 400 triệu đồng/ha. Nhưng hiện tại, do hạn hán khốc liệt, nguồn nước tưới cạn kiệt đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây và chất lượng quả. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do khô hạn gây ra, UBND xã đang tập trung hướng dẫn người dân nạo vét các khe suối để tận dụng nguồn nước ít ỏi còn lại; tủ gốc để giữ ẩm cho cây… Đồng thời đề xuất hỗ trợ của cấp trên trong việc khoan giếng để lấy nước chống hạn. “Qua khảo sát, để đủ nước chống hạn cho toàn bộ diện tích cần phải khoan ngay 18 giếng khoan. Tuy nhiên, với chi phí từ 40 - 50 triệu đồng cho một chiếc giếng khoan thì địa phương không đủ nguồn lực. Trong khi theo dự báo, những ngày tới thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng gay gắt. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì nguy cơ toàn bộ diện tích vùng cam K4 sẽ bị mất trắng”, ông Quốc cho hay.
Thục Quyên | Báo Quảng Trị
إرسال تعليق