Cây lê trước đây thường chỉ được trồng ở những nơi có khí hậu ôn đới tại các huyện, thị xã như Bắc Hà, Sa Pa hay Bát Xát. Tuy nhiên, loại cây ăn quả này lại đang mở ra một hướng phát triển kinh tế mới ở huyện Văn Bàn.
Từ những gốc lê được trồng xung quanh vườn, mỗi năm cũng mang về cho gia đình bà La Thị Tiếp ở thôn Tông Hốc khoảng 4 - 5 tạ quả. Với giá bán từ 20 - 25.000 đồng/cân cũng giúp gia đình bà có thêm nguồn thu đáng kể. Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây trồng này, đầu năm 2021 gia đình bà đã tiến hành chiết cành và trồng thêm được 50 gốc lê mới. "Cây lê phát triển rất tốt, hợp khí hậu địa phương. Bà con ở đây cũng đang khuyến khích mọi người nên trồng cây lê vì sẽ có thêm 1 nguồn thu cho gia đình, và cũng rất dễ bán", bà La Thị Tiếp, thôn Tông Hốc, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn cho biết.
Cây lê được trồng tại xã Dương Quỳ quả có vị đậm, mùi thơm đặc trưng. |
Với đặc tính chín muộn hơn so với giống lê trồng tại vùng ôn đới, quả có vị đậm, mùi thơm đặc trưng nên những năm gần đây cây lê được trồng tại xã Dương Quỳ đã trở thành một sản phẩm hàng hóa được nhiều người biết đến. Cuối năm 2020, đầu năm 2021 từ nguồn giống được lấy từ các cây lê đầu dòng ngay tại địa phương, xã Dương Quỳ đã vận động người dân tham gia trồng mới được trên 20 ha và hiện vẫn tiếp tục mở rộng diện tích.
"Nhận thấy đây là một cây đặc thù, đặc hữu tại địa phương, vì vậy Đảng ủy, chính quyền xã đã đề xuất với các ngành để bảo vệ được nguồn gen của cây, phát triển cây lê thành cây hàng hóa đặc hữu và xác định đây là một cây mũi nhọn tại địa phương", ông La Xuân Thắm, Bí thư Đảng ủy xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn nói.
Gia đình bà La Thị Tiếp có nguồn thu đáng kể từ khi trồng cây lê. |
Cùng với cây măng bói thì cây lê chịu nhiệt đang được xã Dương Quỳ kỳ vọng là cây trồng sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân; đồng thời hướng đến xây dựng sản phẩm quả lê chịu nhiệt thành một sản phẩm OCOP riêng tại địa phương này.
Huyền Trang – Việt Hòa | Đài PTTH Lào Cai
Đăng nhận xét