ADS

Sàn giao dịch thương mại điện tử Nông sản An Tâm

Kết nối cung - cầu hỗ trợ nông dân tiêu thụ trái nhãn

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các ngành chức năng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân tiêu thụ kịp thời nhiều loại trái cây và nông sản. Tuy nhiên, đầu ra của một số loại trái cây, nhất là trái nhãn ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do không có người mua, trong khi nhãn đã chín rộ.

trái cây Cần Thơ, đặc sản Cần Thơ, trái cây miền Tây, nhãn Ido, nhãn xuồng cơm vàng, thanh nhãn, nhãn Cái Răng, nhãn Thới Lai, nhãn Cần Thơ, nhãn Hậu Giang, nhãn Vĩnh Long, nhãn Bến Tre, nhãn An Giang, nhãn Sóc Trăng, nhãn miền Tây, tiêu thụ trái nhãn
Nhãn Ido được trồng tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.


Trái nhãn khó tiêu thụ


Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nhãn Nhơn Nghĩa ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, cho biết: “Hơn 1 tuần nay nhiều diện tích trồng nhãn Ido tại HTX trái đã chín rộ trên cây, ước sản lượng khoảng 20 tấn nhưng chưa thu hoạch được vì không có thương lái thu mua. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và nhiều chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động nên nông dân cũng không thể cắt nhãn ra chợ bán. Nhãn đã chín không thể để lâu trên cây nên các xã viên HTX vô cùng lo lắng. Dự kiến trong 1-2 tuần nữa, HTX tiếp tục có thêm gần 10 tấn nhãn chín cần thu hoạch”.


Nhiều nông dân trồng nhãn Ido, nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn tại phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cũng gặp khó trong tiêu thụ dù giá giảm thấp. Gần đây, giá nhãn Ido được nông dân bán cho thương lái chỉ ở mức 6.000-7.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng/kg so với những tháng trước. Nhãn xuồng cơm vàng hiện ở mức 8.000-12.000 đồng/kg, trong khi hồi đầu vụ cách nay hơn 1 tháng có giá 35.000-40.000 đồng/kg. Còn giá thanh nhãn khoảng 20.000 đồng/kg, mức giá này chưa bằng 1/3 so với giá bán thanh nhãn của các năm trước. Với mức giá này, nông dân chắc chắn thua lỗ do giá thành sản xuất năm nay khá cao, nhất là giá phân bón và nhiều loại vật tư phục vụ sản xuất liên tục tăng cao.


Ông Nguyễn Thành Nghi, Giám đốc HTX nông nghiệp Thới Trinh ở khu vực Thới Trinh, phường Thới An, quận Ô Môn, cho biết: “Dù giá nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn giảm rất thấp nhưng vẫn khó tiêu thụ do có ít người thu mua, nhất là các tiểu thương và đầu mối thu mua với số lượng lớn để tiêu thụ tại thị trường TP Hồ Chí Minh. Vào thời điểm này (ngày 2-8), HTX ước có khoảng 30-35 tấn nhãn xuồng cơm vàng và hơn 40 tấn thanh nhãn đã chín nhưng chưa bán được, kéo dài thêm 5-10 ngày nữa là nhãn sẽ bị hư, rụng. HTX cũng rất lo khi đang có một lượng nhãn Ido lên đến hàng trăm tấn sắp chín chuẩn bị thu hoạch, cần tìm đầu ra”.


HTX nông nghiệp Thới Trinh có 60 xã viên, với diện tích canh tác nhãn gần 50ha, trong đó có gần 29ha đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, với các loại nhãn Ido, xuồng cơm vàng và thanh nhãn. Theo ông Nguyễn Thành Nghi, nhờ ngành chức năng hỗ trợ kết nối cung - cầu và HTX kết nối được với hệ thống cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh mà trong những tuần qua đã có 30 tấn nhãn Ido của HTX được tiêu thụ. Tuy nhiên, lượng nhãn Ido sắp thu hoạch tại HTX trong một vài tuần tới còn rất lớn, khoảng 100-200 tấn nên chúng tôi rất cần có thêm nhiều đơn vị thu mua. 


Ðối với nhãn xuồng cơm vàng và thanh nhãn, do chưa kết nối được các đơn vị thu mua với số lượng lớn nên gần đây chủ yếu bán nhỏ lẻ cho một số tiểu thương tại địa phương. Thường mỗi tiểu thương chỉ thu mua từ vài chục ký đến khoảng 100 kg/ngày nên đầu ra rất chậm, nhãn tồn đọng rất lớn. Có một số siêu thị và khách hàng ở các tỉnh có nhu cầu mua hàng nhưng HTX không giao hàng được do không có phương tiện vận chuyển và khó đi lại giữa các địa phương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

trái cây Cần Thơ, đặc sản Cần Thơ, trái cây miền Tây, nhãn Ido, nhãn xuồng cơm vàng, thanh nhãn, nhãn Cái Răng, nhãn Thới Lai, nhãn Cần Thơ, nhãn Hậu Giang, nhãn Vĩnh Long, nhãn Bến Tre, nhãn An Giang, nhãn Sóc Trăng, nhãn miền Tây, tiêu thụ trái nhãn
Dù giá nhãn khá thấp nhưng tiêu thụ được hàng là nông dân đã rất mừng vì thu hồi lại phần nào vốn đầu tư


Khẩn trương hỗ trợ nông dân


Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, trong 10 ngày cuối của tháng 7, trên địa bàn thành phố có hơn 1.420 tấn trái cây các loại cần tiêu thụ, trong đó có hơn 910 tấn nhãn. Qua các hoạt động kết nối cung - cầu và hỗ trợ nông dân tiêu thụ, đã có hơn 967 tấn trái cây các loại được tiêu thụ kịp thời, trong đó có hơn 770 tấn nhãn. Lượng trái cây còn tồn đọng khoảng 455 tấn, trong đó có hơn 140 tấn nhãn…


Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Ðể hỗ trợ nông dân tiêu thụ nhãn và các loại nông sản nói chung, Sở đã và đang tiếp tục rà soát, thống kê kịp thời sản lượng nông sản tại các địa phương, HTX, cơ sở sản xuất đối với từng chủng loại cụ thể. Từ đó, có giải pháp phối hợp với Sở Công Thương và các sở ngành, đoàn thể thành phố để kết nối cung - cầu, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Ðồng thời, phối hợp với Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương và Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT và các tỉnh, thành cả nước nhằm đưa sản phẩm của nông dân tại các HTX, tổ hợp tác (có kèm theo số điện thoại, địa chỉ liên lạc) quảng bá, giới thiệu trên các website, sàn giao dịch điện tử… Tăng cường thực hiện các hoạt động kết nối để thúc đẩy xuất khẩu và tiêu thụ hàng tại thị trường trong nước.


Thời gian qua, nhờ sự chủ động vượt khó và hỗ trợ tích cực của ngành Nông nghiệp và các cấp chính quyền tại địa phương, nông dân trồng nhãn tại HTX Thái Thanh ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ đã kịp thời tiêu thụ được một lượng nhãn rất lớn. Ông Lê Văn Suốt, Giám đốc HTX Thái Thanh, cho biết " HTX đã kết nối được với Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group để đưa trái thanh nhãn đi xuất khẩu và tiêu thụ nhiều nơi. Vừa qua, Công ty đã thu mua được 2 tấn thanh nhãn của HTX, với giá 35.000 đồng/kg, vào ngày 5-8 tiếp tục có thêm 17 tấn thanh nhãn được Công ty thu mua và dự kiến tiếp tục thu mua đến cuối vụ, với tổng sản lượng thanh nhãn khoảng 400 tấn. Riêng đối với nhãn Ido, hiện đã có 100 tấn được thu hoạch và tiêu thụ thông qua các tiểu thương và mối lái trong và ngoài thành phố, HTX chỉ còn khoảng 10 tấn nữa là thu hoạch xong. Dù giá nhãn Ido khá thấp, khoảng 8.000 đồng/kg, nhưng tiêu thụ được hàng là nông dân đã rất mừng vì thu hồi lại phần nào vốn đầu tư để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”.


Hiện nay, không chỉ có nhãn tại TP Cần Thơ bước vào mùa thu hoạch mà nhãn trồng tại nhiều địa phương khác ở ÐBSCL cũng đồng loạt chín rộ nên nguồn cung rất lớn. Dù việc tiêu thụ nhãn trên địa bàn thành phố có những tín hiệu khởi sắc nhưng giá cả đầu ra vẫn còn thấp và lượng nhãn còn tồn đọng chưa tiêu thụ khá lớn tại nhiều HTX và hộ dân trồng nhãn. Thực hiện giãn cách xã hội nên người dân cũng gặp khó về nguồn lao động để thu hoạch nhãn và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Do vậy, ngành chức năng cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ, giúp nông dân tháo gỡ kịp thời các khó khăn. Ðồng thời, khuyến khích, vận động các nhà hảo tâm, người dân có điều kiện cùng chia sẻ với người dân trồng nhãn để sớm tiêu thụ hết lượng nhãn còn lại. Về lâu dài, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các nhà máy để bảo quản, chế biến sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ trái nhãn để tránh áp lực phải bán hàng gấp, nhất là những thời điểm khó khăn như hiện nay.


Cần Thơ có hơn 22.830ha cây ăn trái, trong đó có hơn 2.800ha nhãn các loại, nhiều nhất là nhãn Ido, nhãn xuồng cơm vàng, thanh nhãn và nhãn da bò. Cây nhãn được trồng tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố với sản lượng nhãn cung ứng ra thị trường có thể đạt 14.860 tấn/năm.


Ách tắc lưu thông, 1.600 tấn nhãn ở Cần Thơ không tiêu thụ được | THDT

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG| BÁO CẦN THƠ

Bình luận

Mới hơn Cũ hơn

Vietnam Logistics and Aviation School

Chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản miền Tây tươi - sạch - ngon