ADS

Sàn giao dịch thương mại điện tử Nông sản An Tâm

Lai Châu: Đưa cây dứa vào vùng “đất gió”

Nhằm giúp bà con tăng thu nhập, thay thế cây trồng truyền thống trên đất dốc có năng suất thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, huyện Than Uyên hỗ trợ Nhân dân xã Phúc Than chuyển đổi sang trồng thâm canh dứa theo hướng bền vững. Qua đó, khai thác tiềm năng, thế mạnh, đất đai, nguồn nhân lực địa phương, từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân, hướng tới liên kết tiêu thụ sản phẩm.

trái cây Lai Châu, đặc sản Lai Châu, trái cây Tây Bắc, trái cây núi rừng, thơm, khóm, dứa Che Bó, dứa Phúc Than, dứa Than Uyên, dứa Lai Châu, trồng dứa
Bà con bản Che Bó (xã Phúc Than, huyện Than Uyên) chăm sóc dứa.


Xã Phúc Than có nhiều thuận lợi, trong đó có phát triển nông nghiệp, đất đai canh tác rộng, lao động dồi dào. Tuy nhiên, nơi đây địa hình đất dốc, khí hậu khắc nghiệt với gió to quanh năm; một bộ phận người dân vẫn có thói quen canh tác mang tính truyền thống và chủ yếu trồng những loại cây có năng suất thấp. Để giúp Nhân dân nơi đây nâng cao thu nhập, thay đổi tư duy trong canh tác sản xuất, tạo ra lợi thế kinh tế vùng, hướng đến sản xuất hàng hóa, huyện Than Uyên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Phúc Than triển khai thực hiện mô hình trồng và thâm canh dứa. Theo đó, từ chương trình khuyến nông năm 2021, Trung tâm triển khai mô hình quy mô 7,5ha với 24 hộ dân tộc Mông của 2 bản: Che Bó, Sam Sẩu (xã Phúc Than) tham gia. Nhà nước hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật, người dân bỏ công trồng, chăm sóc. Đến nay, mô hình đã trồng được trên 5ha.


Anh Trần Đăng Trường - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: “Mô hình trồng thâm canh dứa trên địa bàn xã Phúc Than được triển khai từ tháng 4/2021, dự kiến thu hoạch sau 2 năm trồng. Việc đưa cây dứa vào trồng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, lao động; từng bước thay đổi tập quán canh tác của bà con. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới”.


Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn huyện, với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng, xã Phúc Than phù hợp với trồng cây dứa. Do đó, UBND huyện đã hỗ trợ và vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dứa, dần thay thế các loại cây trồng năng suất thấp như: lúa, ngô, sắn. Để người dân đồng thuận, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, quyền lợi, những chính sách hỗ trợ cũng như hiệu quả kinh tế từ cây dứa. Quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật Trung tâm xuống cầm tay chỉ việc hướng dẫn quy trình từ khâu làm đất đến việc trồng và chăm sóc.


Dẫn chúng tôi tới thăm khu trồng dứa ở bản Che Bó, rất đông bà con đang tập trung chăm sóc, tưới nước, trồng dặm dứa, anh Trần Đăng Trường khẳng định: Trung tâm đã nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng ở đây thích hợp với cây dứa. Mặc dù cây dứa là loại cây mới với bà con nhưng khi được tuyên truyền, Nhân dân đồng tình thực hiện. Dứa sau khi được trồng ở đây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao. Cây dứa từ lúc trồng đến khi thu hoạch từ 16-18 tháng, thu nhập khoảng 120-140 triệu đồng/ha/chu kỳ. Đặc biệt, dứa là cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, chống rửa trôi ở các vùng đất dốc, chịu hạn, sương muối. Để bà con yên tâm sản xuất, Trung tâm cũng đã làm việc với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) cung cấp giống và thu mua toàn bộ sản phẩm. Sau này sẽ tạo ra chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.


Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Cháng A Của (bản Che Bó, xã Phúc Than) chia sẻ: “Trước đây bà con trong bản chỉ trồng ngô, sắn cho năng suất thấp, giá trị kinh tế không cao. Bây giờ được Nhà nước hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng dứa cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng khác, gia đình tôi chuyển đất trồng ngô kém hiệu quả (7.000m2) sang trồng dứa. Hy vọng, cây dứa sẽ giúp bà con xóa đói giảm nghèo”.


Vừa dừng tay làm hàng rào bảo vệ diện tích hơn 7.000m2 dứa mới trồng, ông Cứ A Dê, bản Che Bó tâm sự: “Tuy trồng được gần 3 tháng nhưng dứa phát triển tốt, hiện gia đình tôi đang chăm sóc, nhặt cỏ, tỉa dặm. Bà con rất kỳ vọng khi đưa cây dứa vào trồng sẽ chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở vùng này”.


Việc đưa cây dứa vào thâm canh trồng ở vùng “đất gió” rất phù hợp bởi đây là loại cây thấp dễ thích nghi hơn so với cây ăn quả khác, vừa mang tính ổn định và hiệu quả. Qua đó, từng bước đưa sản xuất dứa trở thành cây trồng chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt của xã; góp phần phát triển kinh tế địa phương bền vững và giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.


Hiệu quả từ chương trình 135 ở Than Uyên, tỉnh Lai Châu

Uyên Linh | Báo Lai Châu

Bình luận

Mới hơn Cũ hơn

Vietnam Logistics and Aviation School

Chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản miền Tây tươi - sạch - ngon