Mô hình trồng bưởi trụ lông, bưởi da xanh theo hướng canh tác tự nhiên, sử dụng chế phẩm vi sinh bản địa và thảo mộc của hộ ông Trần Ly (thôn Bình Yên, xã Phước Ninh, Nông Sơn) là hướng đi đầy triển vọng, tạo sản phẩm bưởi sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Vườn bưởi quanh nhà cho thu nhập ổn định, giúp gia đình ông Trần Ly cải thiện kinh tế. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Trên vùng đất Bình Yên màu mỡ ven sông Thu Bồn, ông Trần Ly đã cải tạo mảnh vườn tạp chừng 3 sào, trồng hơn 50 gốc bưởi trụ lông, thu về hơn 50 triệu đồng mỗi năm.
Ông Ly trồng thêm chục gốc bưởi da xanh, hiện 3 năm tuổi. Vườn bưởi trụ có những cây 7 - 10 năm tuổi, cho thu hoạch ổn định và cây mới trồng đã 3 năm tuổi sắp cho quả. Giống bưởi trụ được ông Ly đưa về từ đất Đại Bình khá phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, cho quả ngọt thanh. Để cải thiện năng suất, ông Ly siêng chăm cây, tưới nước, bón phân vi sinh. Theo ông, chất lượng của quả bưởi trụ trên đất Bình Yên không thua gì so với ở Đại Bình.
Với mỗi gốc bưởi trụ, nếu chăm sóc tốt, gặp thời tiết thuận lợi, có thể cho cả trăm trái bưởi, giúp thu về tầm 2,5 - 3 triệu đồng/gốc. Bưởi da xanh cho năng suất và giá trị còn cao hơn.
Ông Ly đã cải tạo, biến 2 mảnh vườn trồng cây màu tại đất Thổ Đồng, thôn Bình Yên với tổng diện tích lên tới cả mẫu để trồng thêm hơn 200 gốc bưởi trụ và bưởi da xanh. Số tiền đầu tư giống, tường rào, nhân công, phân bón, hệ thống giếng tưới, đường ống tưới đến hàng trăm triệu đồng.
Phong trào cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả mà chủ lực là cây bưởi đã phát triển mạnh ra các xã ở Nông Sơn. |
Ông được hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi từ các nhà vườn, các lớp tập huấn của huyện và các tổ chức khác. Các vườn bưởi áp dụng quy trình canh tác tự nhiên theo hướng hữu cơ, sử dụng các loại thảo mộc tự chế để phòng và điều trị bệnh cho cây trồng, tạo sản phẩm bưởi sạch.
Để đảm bảo nguồn tưới, ông Ly đóng 3 giếng công suất lớn. “Hiện các giếng đóng của tôi cơ bản đủ nước tưới cho 3 vườn cây nhưng trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, tôi lo nay mai không đủ nước tưới và tưới không xuể. Tôi rất muốn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, giảm nhân công. Với một nông dân, vốn liếng bỏ ra đã nhiều nên tôi mong được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư hệ thống tưới tự động” - ông Trần Ly chia sẻ.
Ông Trần Văn Lưu - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn cho biết, từ sự định hướng của huyện, bên cạnh làng Đại Bình, phong trào cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả mà chủ lực là cây bưởi đã phát triển mạnh ra các xã. Các mô hình hình thành sau, có điều kiện thổ nhưỡng tốt, có diện tích rộng lớn, người dân nắm bắt được kỹ thuật trồng thâm canh theo hướng an toàn, sạch bệnh nên chất lượng sản phẩm không thua gì Đại Bình.
Vườn bưởi của ông Trần Ly là một trong số mô hình vườn đẹp, trồng đúng kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng theo hướng hữu cơ. Mô hình đã trở thành địa điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho cán bộ, hội viên nông dân, các đoàn thể trong và ngoài địa phương.
BÍCH LIÊN | QUẢNG NAM ONLINE
Đăng nhận xét