ADS

Sàn giao dịch thương mại điện tử Nông sản An Tâm

Điện Biên: Pom Lót vào vụ chế biến long nhãn

Cuối tháng 7, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) rộn rã không khí “nhà nhà xoáy long, người người xoáy long”. Dù chỉ mang tính chất thời vụ nhưng chế biến long nhãn là nghề “hái ra tiền” của nhiều hộ dân ở Pom Lót, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động trên địa bàn, từ nông dân lúc nông nhàn đến học sinh, sinh viên đang nghỉ hè.

trái cây Điện Biên, đặc sản Điện Biên, trái cây Tây Bắc, xoáy long nhãn, chế biến nhãn, long nhãn Pom Lót, long nhãn Núa Ngam, long nhãn Điện Biên, long nhãn Tây Bắc, long nhãn sấy khô
Người dân xã Pom Lót, huyện Điện Biên tham gia xoáy long nhãn kiếm thêm thu nhập.


Pom Lót được xem là xã có truyền thống chế biến long nhãn của huyện Điện Biên. Lúc cao điểm, cả xã có hàng chục hộ tham gia chế biến long nhãn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Mỗi vụ nhãn, toàn xã chế biến được khoảng trên chục tấn long nhãn, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng.


Quả nhãn tươi sau khi thu hoạch sẽ được thợ dùng “bút xoáy” nhãn để tách lấy cùi và loại bỏ hạt, vỏ. Long nhãn được xếp cẩn thận vào khay lưới rồi đưa vào lò sấy. Để cho ra sản phẩm long nhãn chất lượng, sấy long là công đoạn quan trọng nhất. Nhiệt độ lò sấy lúc đầu cao, sau đó giảm dần trong giai đoạn ủ, thời gian sấy kéo dài khoảng 1 ngày 1 đêm đến khi cùi nhãn se lại, đượm vàng là đạt yêu cầu. Để bảo quản long nhãn trong thời gian dài, long nhãn sau khi chế biến phải được đóng vào túi nilon, tránh tiếp xúc với không khí để không bị ẩm, mốc.


Đã 10 ngày qua, kể từ khi lò sấy long đỏ lửa cũng là khoảng thời gian gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, đội 1 (xã Pom Lót) bận rộn, thức cùng những khay long nhãn trong lò. 4 năm gần đây, cứ tầm giữa tháng 7, gia đình ông Tâm thu xếp công việc, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị các dụng cụ xoáy nhãn, sửa sang lò sấy, chuẩn bị than đốt… sẵn sàng vào vụ long nhãn mới.


Ông Tâm chia sẻ: Đầu tháng 7, tôi đi khảo sát, đặt mua nhãn tại khắp các vườn nhãn trên địa bàn huyện, chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu để 2 lò sấy long hoạt động hết công suất. Khi nguồn cung đã đủ, tôi lại phải tất bật đi tìm thợ xoáy long. Ở Pom Lót, tìm đủ thợ xoáy long cũng là một vấn đề khó khăn của các chủ lò sấy. Đối với những cơ sở chế biến long nhãn lâu năm, dù đa phần thợ xoáy nhãn quen đã gắn bó nhiều vụ nhưng nếu không có sự khuyến khích, động viên thì cũng khó giữ chân thợ cho vụ nhãn sau bởi sự cạnh tranh của các lò nhãn mới, hay đơn giản thợ xoáy chuyển sang làm các lò gần nhà hơn.


Do đó, để giữ chân được đội thợ xoáy long, các chủ lò phải đối xử công bằng giữa thợ cũ và thợ mới; xong vụ thanh toán tiền công song phẳng, ngoài ra đối với thợ lành nghề phải có sự động viên khuyến khích khác nữa. Mùa nhãn năm nay, nhờ có sự chuẩn bị tốt từ đầu vụ nên 2 lò sấy long nhãn của gia đình tôi luôn hoạt động ổn định. Dự kiến, vụ nhãn năm nay gia đình tôi sẽ chế biến được khoảng 6 - 8 tạ long nhãn thành phẩm.


Trên khoảng sân rộng chừng 100m2 được ông Tâm đầu tư lợp ngói prôximăng chống mưa, nắng, 2 chiếc quạt công nghiệp ở góc sân thổi vù vù phục vụ đội thợ khoảng 20 người thoăn thoắt xoáy nhãn. Năm nay, 1kg nhãn quả thợ xoáy được ông Tâm trả công 3.000 - 4.000 đồng. Một ngày, người xoáy chậm cũng có thể làm được 20kg nhãn tươi, nhiều thợ xoáy nhanh có thể đạt 30 - 35kg nhãn quả. Kết thúc vụ long kéo dài 30 - 45 ngày, mỗi thợ được trả công ít nhất 3 triệu đồng, người làm năng suất có thể thu nhập 5 - 6 triệu đồng.

trái cây Điện Biên, đặc sản Điện Biên, trái cây Tây Bắc, xoáy long nhãn, chế biến nhãn, long nhãn Pom Lót, long nhãn Núa Ngam, long nhãn Điện Biên, long nhãn Tây Bắc, long nhãn sấy khô
Người dân xã Pom Lót, huyện Điện Biên thu hoạch nhãn.


Chị Nguyễn Thị Hồng, bản Hát Hẹ, xã Núa Ngam là “tay xoáy” long nhãn nhanh có tiếng mà năm nào ông Tâm cũng dùng mọi cách để kéo về lò sấy của gia đình mình. Mỗi ngày chị Hồng có thể xoáy được 35kg nhãn tươi, nếu quả nhãn to thì năng suất có thể đạt 40kg/ngày. Chị Hồng cho biết: “Năm nào cũng vậy, kết thúc công việc đồng áng, tôi lại tranh thủ đi xoáy long nhãn để kiếm thêm thu nhập. Công việc xoáy nhãn tôi đã làm từ ngày còn là học sinh cấp 2. Với mức tiền công 3.000 đồng/kg, kết thúc mùa nhãn, tôi có thêm khoản thu nhập 4 - 5 triệu đồng”.


Còn chị Lường Thị Hình, đội 1, xã Pom Lót cho biết: “Mùa xoáy long nhãn năm nay, gia đình tôi có 3 trong số 4 thành viên tham gia xoáy long. Công việc bắt đầu từ 6 giờ sáng. Trung bình ngày làm việc 7 - 8 tiếng. Tổng năng suất của 3 mẹ con đạt 65 - 70kg/ngày. Nếu đi làm đều, hết mùa nhãn cũng có khoản thu nhập 6,5 triệu đồng”.


Mùa nhãn chín trùng với thời điểm học sinh đang nghỉ hè. Do đó, nhiều học sinh ở xã Pom Lót cũng tranh thủ thời gian này để làm thêm kiếm tiền mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho năm học mới. Đây là mùa hè thứ 5 liên tục, em Nguyễn Thị Thùy, đội 1, xã Pom Lót đi xoáy long nhãn. Trung bình mỗi ngày em xoáy được 25kg nhãn tươi; với tiền công 3.000 đồng/kg, kết thúc vụ nhãn em có 2,5 triệu đồng. Em Thùy phấn khởi cho biết: “Kết thúc mùa hè năm nay, em sẽ bước vào giảng đường đại học. Số tiền xoáy long nhãn cũng giúp em trang trải một số chi phí chuẩn bị cho năm học”.


Ông Lê Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Nghề chế biến long nhãn đã có từ nhiều năm. Đây là nghề thời vụ trong khoảng 1 - 1,5 tháng. Trung bình mỗi vụ, một hộ gia đình chế biến được khoảng 1 tấn long khô. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên toàn xã có 8 lò sấy long nhãn hoạt động, với sản lượng khoảng 10 tấn long nhãn thành phẩm. Bên cạnh mang lại lợi nhuận cho các chủ lò long, chế biến long nhãn còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Để thúc đẩy nghề chế biến long nhãn phát triển, xã đã tạo điều kiện để các hộ chế biến được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; tuyên truyền vận động chế biến bảo đảm vệ sinh, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tạo dựng uy tín, thương hiệu cho sản phẩm long nhãn Pom Lót.


Nghề làm long nhãn ở Sông Mã

Bài, ảnh: Nhật Phương | Báo Điện Biên

Bình luận

أحدث أقدم

Vietnam Logistics and Aviation School

Chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản miền Tây tươi - sạch - ngon