Đầu mùa sim, người dân ở xã miền núi của huyện Anh Sơn đã lên núi hái về hàng chục kg sim mỗi ngày. Dù đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng với giá bán như hiện tại, mỗi ngày người dân có thể thu về tiền triệu từ quả sim rừng.
Quả sim nhỏ bằng đầu ngón tay, khi chín có màu hồng tím rồi chuyển sậm đen. Bên ngoài có lớp lông tráng mịn như tơ, bên trong có nhiều hạt. Quả sim chín ăn có vị ngọt, hơi chát. |
Nhiều năm về trước, khu vực cồn Truông nằm trên địa bàn xã Tào Sơn (Anh Sơn) hầu như chẳng được ai để ý tới, bởi nơi đây địa hình núi dốc, đất cằn sỏi, đá. Trên đồi chỉ độc một loài cây sinh sống được, ấy là giống sim rừng. Khi được giao bảo vệ, ông Nguyễn Cảnh Sáu ở thôn 1 luôn tâm niệm chỉ muốn được giữ lại đồi sim ấy cho con cháu làm nơi vui chơi của tuổi thơ.
Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, nhận thấy đến mùa, sim rừng cho trái rất nhiều, để rụng cũng rất phí nên gia đình ông Sáu thu hái về để tìm cách bán cho thương lái.
Những đứa trẻ ngày hè cũng tranh thủ lên núi hái sim kiếm thêm thu nhập chuẩn bị cho năm học mới. |
“Mùa sim bắt đầu từ đầu tháng Bảy và kéo dài đến tận cuối tháng. Những lúc chín nhiều quá, tôi phải thuê cả hàng xóm láng giềng để hái cho kịp. Hái được chừng nào người ta đến mua luôn chừng ấy nên cũng rất khỏe” - ông Nguyễn Cảnh Sáu cho hay.
Ở khu vực này còn có nhiều cây sim cổ thụ được giới chơi cây cảnh trả với giá từ 1-3 triệu đồng nhưng chủ nhân nhất quyết không bán vì ông tâm niệm rằng, chỉ muốn giữ lại và trồng thêm để sau này có chỗ cho lớp trẻ vui chơi.
Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng sim rừng tăng mạnh, vì được nhiều người sử dụng để ngâm rượu uống, nên giá tăng cao. |
Để bảo vệ và phát triển đồi sim, gia đình ông Nguyễn Cảnh Sáu hàng năm còn tìm thêm các cây sim nhỏ ở nơi khác mang về trồng rồi giăng các loại ống lon xua đuổi chim chóc, trâu, bò phá hoại. Với giá bán khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi ngày gia đình ông Nguyễn Cảnh Sáu hái được 50-70 kg sim, thu về hơn 1 triệu đồng/ngày.
Đào Thọ | Báo Nghệ An
Đăng nhận xét