Trong những năm qua, để cải tạo, thay thế giống lê bản địa năng suất, chất lượng thấp, nhiều hộ dân tại xã Đội Cấn, huyện Tràng Định đã chủ động đưa cây lê Đài Loan về trồng tại địa phương. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình trồng, chăm sóc. Qua đó, góp phần giúp người dân tăng thu nhập.
Người dân xã Đội Cấn chăm sóc cây lê Đài Loan |
Gia đình ông Hoàng Văn Khi, thôn Nà Khau (thôn Khau Slâm cũ) cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng cây lê vỏ nâu bản địa. Do đây là giống cây có năng suất thấp và không được chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất ngày càng giảm, có năm mất mùa. Từ năm 2017, Viện Nghiên cứu cây trồng Trung ương đến khảo sát, hỗ trợ gia đình tôi 200 cây lê Đài Loan giống và hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc, ghép mắt, ghép cành đúng quy trình. Từ đó đến nay, hơn 200 cây lê Đài Loan của gia đình phát triển rất tốt. Vụ thu hoạch năm 2020, gia đình tôi thu về trên 150 triệu đồng từ bán quả lê, tăng gấp đôi so với trồng cây lê bản địa.
Tương tự, gia đình ông Mỗ Văn Mao, thôn Nà Khau (thôn Nà Lẹng cũ) cũng là một trong những hộ tiên phong trong việc thay thế cây lê bản địa bằng giống lê Đài Loan. Ông Mao cho biết: Được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền và sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu cây trồng Trung ương về kĩ thuật trồng và chăm sóc, năm 2017, tôi đã quyết định đặt mua 100 cây giống lê Đài Loan ghép gốc với cây lê bản địa. Chỉ sau 3 năm, cây lê đã cho thu hoạch, gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Theo đánh giá của các hộ trồng lê Đài Loan, mặc dù đây là giống cây mới nhưng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại xã Đội Cấn. Quy trình chăm sóc cây cũng không phức tạp. Thông thường, cây lê đến năm thứ 3 sẽ cho thu hoạch với năng suất khoảng 100 đến 120kg/cây.
Người dân xã Đội Cấn thu hoạch lê |
Ông Vi Văn Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Đội Cấn cho biết: Để việc phát triển cây lê Đài Loan có hiệu quả, hằng năm, UBND xã đã phối hợp với phòng chuyên môn huyện mở 2 đến 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng và chăm sóc cây lê Đài Loan cho người dân. Hiện nay, xã đang tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng giống lê Đài Loan. Cùng với đó, xã vận động thành lập và phát triển các tổ hợp tác, tăng cường kết nối giữa người dân và các đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ giống lê Đài Loan, rất nhiều hộ dân trong xã đã học hỏi, nhân rộng. Hiện nay, tổng diện tích cây lê Đài Loan của xã đạt trên 7 ha với 3.500 cây (22 hộ trồng). Trong đó, có trên 1.000 cây cho thu hoạch. Dự kiến, sản lượng vụ lê năm 2021 của toàn xã đạt trên 100 tấn. Nhờ đảm bảo về cây giống và được áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, quả lê mọng nước, ngọt và rất thơm. Trung bình, mỗi quả đạt trọng lượng từ 500 đến 550 g, giá bán trên thị trường luôn đạt 20.000 đến 25.000 đồng/kg. Những hộ trồng lê đã cho thu hoạch, hộ trồng ít cũng đạt khoảng 50 triệu đồng/năm, hộ trồng nhiều đạt khảng 150 triệu đồng/năm.
Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn, hướng dẫn kiến thức trồng, chăm sóc cây lê Đài Loan cho người dân để nâng cao năng suất, chất lượng quả.
Có thể thấy, việc thay thế cây lê bản địa bằng cây lê Đài Loan đã và đang giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã là 36,12 triệu đồng/người/năm, tăng 21 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 10%, giảm 30% so với năm 2015.
NGUYỄN PHÚC | BÁO LẠNG SƠN
إرسال تعليق