Thanh long ruột đỏ hiện là loại cây cho giá trị kinh tế cao của huyện Lập Thạch. Với điều kiện tự nhiên đặc biệt, thanh long được trồng tại vùng đất này cho chất lượng vượt trội. Mặc dù huyện đang nỗ lực xây dựng và phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, song hiện nay, “cửa xuất ngoại” cho loại nông sản này vẫn còn khá hẹp.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Nguyễn Trung Kiên, xã Vân Trục (Lập Thạch) cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Nguyễn Lượng |
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia, sau 9 năm đàm phán, tháng 9/2018, lần đầu tiên, 3 tấn thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch được xuất khẩu sang thị trường Australia. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu mức thăng hạng của thương hiệu thanh long ruột đỏ Lập Thạch khi chinh phục được một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, 3 tấn thanh long kia vẫn là lô hàng đầu tiên và cũng là duy nhất của tỉnh được xuất khẩu sang Australia.
Trở lại hộ gia đình anh Nguyễn Trung Kiên, ở xã Vân Trục (Lập Thạch), một trong những người sở hữu mô hình trồng thanh long ruột đỏ được chọn xuất khẩu sang thị trường Australia. Trong 3 năm trở lại đây, vườn thanh long 3 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh chưa năm nào cho doanh thu dưới 1 tỷ đồng.
Vừa qua, anh mạnh dạn đầu tư trồng 2ha thanh long theo giàn, tăng sản lượng từ 30 tấn/vụ lên 60 tấn/vụ. Anh cũng mới cải tiến lại hệ thống tưới tự động, từ nhỏ giọt sang tưới phun, đảm bảo lượng nước cho thanh long sinh trưởng và phát triển đạt hiệu quả tối ưu nhất, giảm đáng kể công lao động.
Để có giống thanh long chất lượng, gia đình anh đã mất 3 năm trồng thanh long không thu hoạch, chọn 1 trong 9 giống thanh long được Viện Cây giống trung ương cung cấp.
Đến nay, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Kiên vẫn được xem là một trong những mô hình thành công nhất của huyện, được nhiều người biết đến, học hỏi. Mặc dù có đầu ra ổn định, song anh Kiên vẫn trăn trở vì thanh long chưa thể “xuất ngoại”.
Theo chia sẻ của anh Kiên: “Thị trường nước ngoài yêu cầu rất cao về nông sản xuất khẩu. Ngoài sạch, chất lượng tốt, còn phải đảm bảo cả về kích thước và trọng lượng. Riêng với quả thanh long, mặc dù được trồng theo quy chuẩn an toàn, được cơ quan chuyên môn kiểm định, song muốn xuất khẩu sang Australia vẫn phải gửi cho một đơn vị trung gian ở tỉnh Bình Định để kiểm định lại. Như vậy sẽ tốn thêm nhiều chi phí vận chuyển. Hơn nữa, do khoảng cách địa lý xa, quá trình vận chuyển rất có thể ảnh hưởng đến chất lượng quả, nên dù thanh long có đạt tiêu chuẩn vẫn khó có đường quay lại thị trường khó tính này”.
Được biết, toàn huyện Lập Thạch hiện có gần 300 ha diện tích trồng thanh long ruột đỏ; trong đó, diện tích trồng thanh long ruột đỏ tại xã Vân Trục là 92ha.
Theo ông Vũ Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Trục: “Thanh long ruột đỏ là cây trồng thế mạnh của xã, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Do chất đất phù hợp, thanh long được trồng tại đây cho quả ngọt vượt trội, khi vừa thu hoạch đã có thương lái đến tận vườn thu mua. Cũng do đầu ra ổn định, chỉ một số hộ trồng thanh long quy mô lớn, áp dụng đồng bộ KHKT vào sản xuất có nhu cầu “xuất ngoại” sản phẩm, còn lại các hộ trồng quy mô dưới 1ha vẫn luôn có thị trường tiêu thụ ổn định, nên chưa có nhu cầu. Do yêu cầu khắt khe của thị trường nước ngoài, lại tốn thêm chi phí vận chuyển trung gian, họ cũng không muốn mở rộng thêm diện tích”.
Năm 2018, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ tại huyện Lập Thạch, với tổng kinh phí hơn 240 tỷ đồng, triển khai thí điểm tại 5 xã: Ngọc Mỹ, Vân Trục, Xuân Hòa, Hợp Lý, Quang Sơn với quy mô 300ha.
Mục tiêu của dự án phấn đấu nâng cao giá trị sản xuất thanh long ruột đỏ từ 200 - 250 triệu đồng/ha, giải quyết việc làm cho 1.500 - 2.000 lao động, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp nông thôn.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, diện tích trồng thanh long ruột đỏ toàn huyện Lập Thạch đã tăng từ 100ha đến gần 300ha, sản lượng ước đạt hơn 200.000 tấn/năm.
Mặc dù được cấp giấy chứng nhận đạt chất lượng sản phẩm OCOP phân hạng 3 sao, được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận và trao cúp vàng thương hiệu sản phẩm tin cậy, song hiện nay, phần lớn thanh long ruột đỏ của huyện chủ yếu vẫn tiêu thụ tại thị trường nội địa, số thanh long có cơ hội xuất ngoại vẫn còn rất ít.
Bài toán tìm chỗ đứng trên thị trường quốc tế cho thanh long ruột đỏ vẫn chưa có lời giải.
Hoàng Sơn | Báo Vĩnh Phúc
إرسال تعليق