ADS

Sàn giao dịch thương mại điện tử Nông sản An Tâm

Khó khăn trong tiêu thụ chanh leo ở Tam Đường

Những năm gần đây, cây chanh leo đang mở ra hướng phát triển kinh tế cho nông dân trên địa bàn thị trấn Tam Đường. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, Công ty Nafoods không thu mua do không vận chuyển đi được, cùng với đó nhiều tỉnh, thành phố nằm trong vùng dịch cấm xe khách hoạt động, nên thị trường tiêu thụ chanh leo ngày càng thu hẹp, người nông dân lại thêm lo lắng, bất an.

trái cây Lai Châu, đặc sản Lai Châu, trái cây Tây Bắc, trái cây núi rừng, chanh leo Tam Đường, chanh leo Lai Châu, chanh leo Tây Bắc, chanh dây Tam Đường, chanh dây Lai Châu, chanh dây Tây Bắc, tiêu thụ chanh dây, tiêu thụ chanh leo
Người dân bản Tác Tình, thị trấn Tam Đường chăm sóc chanh leo.


Dưới cái nắng chiều gay gắt của những ngày cuối tháng 6, chúng tôi đến tham quan vườn chanh leo của gia đình anh Lù A Ghiềng ở bản Tác Tình, thị trấn Tam Đường. Thời tiết những ngày đầu hè nắng đẹp cùng với bàn tay chăm sóc cần mẫn của anh Ghiềng đã giúp cho giàn chanh leo sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện ra trước mắt chúng tôi là giàn chanh xanh mướt, những chùm chanh leo sai trĩu, trông thật thích mắt. Cầm những trái chanh leo to, vỏ đẹp được anh đánh giá là “hàng vip” nhưng nét mặt của anh Ghiềng lại đượm buồn, chứa đầy suy tư.


Anh Ghiềng chia sẻ: “Theo định hướng phát triển kinh tế của địa phương, gia đình tôi mạnh dạn trồng hơn 2ha chanh leo, thời điểm trước đây chanh leo được Công ty Nafoods thu mua đều đặn, giá cả phụ thuộc vào chất lượng của quả, với giá dao động từ 10.000 – 23.000 đồng, mỗi tuần gia đình tôi thu được 2 tấn quả, đem lại nguồn thu nhập khá cao. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, Công ty không thu mua vì không chuyển hàng đi thành phố Hồ Chí Minh được. Cùng với đó, thời điểm đầu tháng 6 không có xe khách lưu thông tuyến Lai Châu – Hà Nội nên thị trường thu mua chanh leo ngày càng hẹp. Chúng tôi phải tự tìm đầu ra cho chanh leo bằng cách bán lẻ ra các chợ trên địa bàn thành phố, huyện và các tỉnh lân cận như: Sơn La, Lào Cai… với giá trung bình từ 8.000 - 10.000/kg đối với quả đẹp. Hiện nay, diện tích chanh leo cho thu hoạch của gia đình tôi khá lớn nên khó có thể tiêu thụ hết được, chúng tôi rất mong cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp giúp nông dân chúng tôi tìm đầu ra ổn định cho chanh leo”.


Sau nhiều năm gắn bó với cây chanh leo, các hộ nông dân trên địa bàn thị trấn Tam Đường đánh giá, cây chanh leo khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, chanh leo ra nhiều quả, quả to, có vị thơm, ngon, được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, để chăm sóc cây chanh leo không hề đơn giản, bởi loại cây này rất dễ bị sâu bệnh, nếu không tiến hành cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh thường xuyên thì cây chanh leo rất dễ bị nhiễm các bệnh như xoăn lá, đốm đầu, dầu loang… Không chỉ vậy, để thu hoạch chanh leo cho giá trị kinh tế cao, người trồng chanh leo phải rất tỉ mỉ, kĩ lưỡng, khi thu hái phải đeo găng tay y tế, cắt dứt khoát, không để trầy xước vỏ, vỏ chanh leo phải bóng, đẹp, không có vết xước mới bán được giá cao. Mức giá thu mua tại Công ty tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm: loại vip 23.000 đồng/kg, loại A là 11.000 đồng, loại B là 8.000 đồng/kg, loại C là 3.500 đồng/kg.


Để giúp người nông dân bớt khó khăn trong khâu tiêu thụ chanh leo, Công ty Nafoods cũng tiến hành thu mua trở lại nhưng khi Công ty có xe vận chuyển thì mới báo cho nông dân để tiến hành thu hoạch. Không chủ động được thời gian thu hoạch nên khi Công ty báo thu mua thì nhiều hộ lại không có chanh để bán vì đã bán lẻ ra bên ngoài hoặc không kịp cắt do diện tích trồng quá lớn, gây khó khăn cho người nông dân.


Anh Lù A Ghiềng cho biết thêm: “Đối với các hộ dân trồng diện tích ít thì có thể thu hoạch được trong thời gian ngắn để bán cho Công ty. Nhưng với diện tích hơn 2ha như gia đình tôi thì không thể thu hoạch xong trong một buổi được. Chúng tôi thuê người dân thu hoạch hộ thì họ không nắm được những yêu cầu kĩ thuật trong việc cắt tỉa quả dẫn đến quả bị xước, bán không được giá, cùng với đó do không biết cách thu hoạch nên nhiều dây chanh leo bị đứt khiến cho cây bị héo, gây thiệt hại lớn kinh tế cho gia đình”.


Việc thu mua không đều, không có thời gian giao dịch cụ thể khiến việc thu mua giữa Công ty và người dân không đồng nhất dẫn đến việc cung - cầu bị ảnh hưởng. Do đó, không chỉ gia đình anh Ghiềng mà người trồng chanh leo trên địa bàn thị trấn Tam Đường đều tự mình bươn  trải tìm đầu ra cho chanh leo. Hiện nay, công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, kết nối được nhiều người từ nhiều địa phương khác nhau trên mạng xã hội, chính vì vậy anh Ghiềng cùng với những người nông dân trên địa bàn thị trấn đã rao bán trên facebook, zalo, các chợ online… hoặc vận dụng các mối quan hệ quen biết nhờ bán hộ để chanh leo không bị ứ đọng. Nhờ năng động, sáng tạo trong việc tìm đầu ra cho chanh leo nên thu đến đâu người dân bán hết đến đó tuy nhiên giá thành chỉ ở mức từ 8.000 – 10.000 đồng/kg.


Chia sẻ những khó khăn với nông dân địa phương, anh Phong Văn Tiến – Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Chanh leo là một trong những cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân trên địa bàn. Đến nay, thị trấn trồng 4,9ha chanh leo, hiện đang cho thu hoạch. Ảnh hưởng của dịch Covid – 19, Công ty Nafoods không tiến hành thu mua chanh leo của người dân vì không vận chuyển đi được, do vậy đây cũng là thời điểm khó khăn của những người nông dân trồng chanh leo. Hiện, chúng tôi cử cán bộ đi kiểm tra diện tích chanh leo đang cho thu hoạch, đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân tiếp tục duy trì việc chăm sóc cây chanh leo, mở rộng việc bán lẻ chanh leo ra thị trường để tháo gỡ những khó khăn trước mắt. Đồng thời, mong muốn Công ty Nafoods có những giải pháp hữu hiệu mang tính lâu dài để cùng người nông dân tìm đầu ra ổn định cho chanh leo, để người dân yên tâm trồng và chăm sóc cây trồng này”.


Phát triển cay chanh leo trên vùng đất Tam Đường tỉnh Lai Châu

Phương Thanh | Báo Lai Châu

Bình luận

أحدث أقدم

Vietnam Logistics and Aviation School

Chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản miền Tây tươi - sạch - ngon