Hướng Hóa được biết đến là vùng đất màu mỡ, thích hợp để trồng các loại cây ăn quả và nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn 1 năm trở lại đây, qua học hỏi từ các mô hình kinh tế, nhận thấy cây dứa là loại cây trồng có hiệu quả, lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, gia đình chị Hồ Thị Phượng (sinh năm 1988) ở Khóm 2, thị trấn Khe Sanh đã mạnh dạn trồng dứa trên diện tích đất đồi dốc của gia đình, đến nay, cây dứa đã cho thu hoạch với kết quả khả quan.
Chị Phượng đang thu hoạch dứa mật - Ảnh: Bích Liên |
Những ngày đầu tháng 6/2021, chúng tôi đến thăm mô hình trồng dứa trên đất dốc của gia đình chị Phượng. Trên diện tích đất hơn 6 ha nằm cách trung tâm thị trấn Khe Sanh hơn 2 km, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước một vườn cây trái đang vào mùa thu hoạch gồm cam, quýt, chanh, thanh long ruột đỏ... Đáng chú ý hơn cả là vườn dứa đang vào mùa thu hoạch với những quả chín đều vàng đượm đẹp mắt. Chị Phượng cho biết, cách đây 2 năm, trong một lần đi tham quan, trải nghiệm các mô hình kinh tế, chị được giới thiệu về mô hình trồng dứa trên đất đồi dốc. Qua tìm hiểu, nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi mình ở phù hợp với trồng dứa, gia đình lại đang sử dụng diện tích đất đồi rộng lớn nên chị Phượng quyết định nhập giống dứa Thanh Hóa về trồng. Sau hơn 1 năm trồng, tuy không mất nhiều thời gian chăm sóc nhưng vườn dứa của gia đình chị phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng quả thơm ngon, đến thời điểm này đã xuất bán ra thị trường với số lượng khá lớn.
Hiện tại, gia đình chị Phượng trồng dứa trên diện tích hơn 1 ha với hơn 20.000 gốc dứa mật Thanh Hóa, sản lượng đạt 12 tấn. Với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg, sau vụ thu hoạch đầu tiên, trừ chi phí gia đình chị Phượng thu về hơn 60 triệu đồng. Chị Phượng cho biết: “Cây dứa mật vốn ưa đất đồi dốc nên chẳng mấy chốc bén rễ và phát triển rất nhanh. Tuy mới trồng thử nghiệm lứa đầu tiên song chất lượng và sản lượng khá cao, đạt yêu cầu đề ra. Việc chăm sóc dứa cũng đơn giản và không mất nhiều công sức. Gia đình tôi chỉ huy động nhân công làm cỏ, tưới nước và bón lót phân chuồng vào những ngày đầu xuống giống. Đến nay, dứa đã cho quả gần 100% và đang được các đại lý đến thu mua tận vườn”.
Cũng theo chị Phượng, nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, trái dứa mật của gia đình chị sau khi rao bán được nhiều người ưa thích lựa chọn. Đặc biệt, dứa có vỏ mỏng, lõi nhỏ và mọng nước, hương vị thơm ngon, phù hợp để pha chế các loại thức uống giải khát nên được nhiều cơ sở kinh doanh đồ uống ưa chuộng. Về giá trị, nếu như các giống dứa khác chỉ có giá 3.000 – 4.000 đồng/ kg thì giống dứa mật Thanh Hóa có giá từ 4.000 - 10.000 đồng/kg (tùy loại). Cùng với đó, vì không áp dụng quy trình canh tác công nghiệp mà theo hướng phát triển tự nhiên nên vườn dứa mật của gia đình chị Phượng chín nhiều đợt chứ không chín đại trà. Điều này khiến chị không bán được số lượng dứa lớn cùng một lúc, song bù lại, gia đình thu hoạch dứa mật lai rai, không tạo sức ép mùa vụ quá lớn như các loại cây ăn quả khác. Hiện tại, vườn dứa gia đình chị Phượng được bán đều đặn mỗi ngày cho các đại lý nhỏ lẻ, một số cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh hoặc bán online nên đầu ra khá ổn định.
Từ hiệu quả kinh tế bước đầu, thời gian tới, gia đình chị Phượng sẽ mở rộng diện tích, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc để cây dứa mật mang lại hiệu quả cao hơn. Chị Phượng cho biết: “Cùng với việc mở rộng diện tích, tôi cũng sẵn sàng chia sẻ giống, kinh nghiệm trồng và chăm sóc dứa cho những hộ gia đình có nhu cầu. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ tích cực tìm đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ. Vì có thị trường tiêu thụ ổn định thì nông dân chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình”.
Có thể thấy, mô hình trồng dứa của gia đình chị Hồ Thị Phượng thành công đã và đang đã mở ra hướng sản xuất mới hiệu quả tại huyện miền núi Hướng Hóa, đặc biệt là những khu vực đất đồi dốc. Qua đó, người dân phát huy được tiềm năng, thế mạnh của đất đai và làm giàu ngay trên chính quê hương mình.
Bích Liên | Báo Quảng Trị
Đăng nhận xét