Xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) từ lâu được biết đến là một địa danh gắn với cây mận Máu. Trong các bản làng, người Nùng, Mông là những vườn mận cao vút, tán xòe cho loại quả ngon ngọt ít nơi nào sánh được. Mận Chiến Phố năm nay được mùa, những chùm quả chĩu cành đang chờ ngày chín đỏ để đến tay những người thưởng thức.
Dùng lưới che phủ bảo vệ cây mận không bị mưa đá, gió lốc làm rụng quả. |
Chúng tôi đến Chiến Phố khi mùa mận Tam hoa đã thu hái xong, nhưng đây chỉ là phần ít của diện tích hơn 58 ha mận toàn địa phương. Những vườn mận Máu, mận Hậu lẩn khuất dưới tán rừng, nương ngô mới là vựa quả ngọt mà người dân nơi đây ngóng chờ thu hái.
Thôn Suôi Thầu là một trong 2 thôn có diện tích mận cho thu hoạch nhiều nhất toàn xã, tại đây những cây mận có tuổi đời hơn 20 năm, cao vút, tán xòe rộng cho ra thứ quả thịt dầy, màu đỏ, giòn ngọt. Những năm trước mận được trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn và bán trong các phiên chợ của bà con. Giờ đây khi cây mận Máu được nhiều người sành ăn chờ đợi thì cây mận được bà con chú ý hơn.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mận xen lẫn trong nương ngô xanh ngắt của gia đình, anh Lù Xuân Chưởng, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1 ha mận Máu, số cây đang cho thu hoạch có tuổi đời từ hơn 20 năm ra quả đều và là nguồn thu nhập chính. Năm 2020, dù mất mùa gia đình tôi vẫn thu về được 30 triệu đồng từ bán mận, nhận thấy thu nhập từ mận cao hơn so với trồng các loại cây khác, gia đình tôi đã mở rộng diện tích mận trồng xen canh với các loại cây hoa màu khác”.
Suối Thầu có 106 hộ, hầu như gia đình nào cũng trồng mận, giờ đây nhiều hộ còn ươm cây con để trồng tăng diện tích và bảo tồn giống mận bản địa. Thôn Nhìu Sang, nơi sinh sống của người dân tộc Mông cũng là thôn có số lượng mận lớn đang cho thu hoạch với hơn 18 ha. Những vườn mận cổ thụ nằm bên mái nhà trình tường không chỉ tạo điểm nhấn về cảnh quan nơi đây mà còn là nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Vườn mận chuẩn bị cho thu hoạch. |
Theo người dân, cây mận Máu cho quả đều và giá tương đối ổn định từ 30 - 50 nghìn đồng/1kg, không bị thiên tai gây hại thì sẽ mang đến một nguồn thu khá. Còn nhớ năm 2020, những cơn mưa đá lớn xuất hiện đúng mùa mận ra quả đã cướp đi của bà con nơi đây một nguồn thu khá lớn. Năm nay như để bù lại cho người dân đã vất vả bỏ công chăm sóc, những vườn hoa quả khắp mọi nơi đều đơm hoa, kết trái hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu.
Để phòng ngừa thiên tai, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoàng Su Phì dành kinh phí và tiến hành tập huấn hướng dẫn cho bà con xã Chiến Phố thử nghiệm dùng lưới quây để phòng mưa đá tại vườn. Hệ thống lưới bao phủ phát huy tác dụng tốt khi không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và ra hoa, kết trái của cây mận, nếu xảy ra mưa đá, gió lốc sẽ bảo vệ cho quả trên cây không bị tác động và rụng, đồng thời phòng ngừa được các loại sâu, bướm có hại cho cây, trái.
Theo lời đồng chí Lù Seo Seng, Chủ tịch UBND xã Chiến Phố: Những năm trước vào mùa mận Máu chín, con đường vào trung tâm xã đông nghẹt xe của lái buồn và người mua mận. Những người ưa thích loại quả này không quản đường xa tìm đến tận nơi chỉ để vào tham quan vườn mận, tự tay hái về những quả mận đặc sản ở Chiến Phố mang về thưởng thức và làm quà.
Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Chiến Phố là cơ sở thu mua, bảo quản và đóng gói, để đưa ra thị trường. Mận chín được HTX chọn lọc kỹ càng, phân chia theo 3 loại: Quả đạt loại A để đóng hộp đưa ra thị trường; loại B bán tại chỗ và các chợ phiên; loại C quả dập nát được ướp ngâm chế biến rượu. Để đảm bảo mận được tươi, HTX xã đầu tư kho lạnh bảo quản trong điều kiện tốt nhất trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Trọng Toan | Báo Hà Giang
Đăng nhận xét