Bảo Lạc - miền biên viễn phía Tây của tỉnh Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng và kho tàng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc mà còn làm say lòng du khách bởi những sản vật do thiên nhiên ban tặng, trong đó có quả mận máu. Với vị giòn ngọt, tươi mát, mận máu Bảo Lạc khiến người ta khó lòng quên được.
Anh Tô Văn Kiên, xóm Thiêng Lầu, xã Xuân Trường (Bảo Lạc) kiểm tra vườn mận máu. |
Bảo Lạc là vùng đất trồng nhiều loại mận như: mận thép, mận máu, mận chín sớm, mận tam hoa, mận tháng 6…, trong đó, mận máu là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Mận máu khi chín có màu đỏ sẫm bắt mắt, vỏ nhẵn bóng, to bằng đầu ngón chân cái, khi ăn có vị ngọt đậm, mọng nước, hàm lượng vitamin rất cao. Mận máu Bảo Lạc được nhiều người “sành ăn” chờ đợi, săn lùng bởi hương vị thơm ngon, giòn ngọt.
Nằm ở phía Đông huyện Bảo Lạc, xã Xuân Trường được xem như “thủ phủ” của cây mận máu. Nơi đây đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, rất thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả ôn đới như lê vàng, mận…
Anh Tô Văn Kiên, xóm Thiêng Lầu, xã Xuân Trường cho biết: Mận máu thường chín muộn, rộ nhất vào trung tuần tháng 6, đầu tháng 7 hằng năm. Giá bán dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, thời điểm đầu hoặc cuối vụ từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Có thể nói, cây mận máu đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Hiện, khu vườn của tôi có 60 cây mận máu, trung bình cho thu hoạch khoảng 20 - 30 kg quả/cây...
Với kinh nghiệm trồng mận máu lâu năm, anh Kiên chia sẻ: Ngay sau khi thu hoạch mận máu, gia đình tôi tiến hành làm cỏ, bón phân cho cây. Sau Tết Nguyên đán, tiếp tục phát quang xung quanh gốc mận, bón phân đợt 2 và cắt tỉa một số cành già, cành bị sâu bệnh để tăng khả năng quang hợp, giúp cây nhanh chóng phục hồi, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Khi cây bắt đầu đậu quả non, tiến hành chằng néo các cành cây lại nhằm hạn chế thấp nhất việc cây bị rụng quả do mưa, giông. Nhận thấy mận máu có giá trị kinh tế cao nên gia đình tôi dự định tiếp tục mở rộng diện tích trồng mận máu.
Quả mận máu Bảo Lạc căng tròn, mọng nước, vị ngọt đậm. |
Những năm trước đây, bà con chủ yếu trồng mận máu theo tập quán truyền thống nên tỷ lệ sống không cao, trồng không đúng mật độ, đốn tỉa, tạo tán không đúng kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp. Mận máu được trồng xen kẽ với các loại cây khác, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình và bán ở chợ phiên. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, thiếu đồng bộ nên chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh để đưa cây mận máu trở thành cây chủ lực tại địa phương.
Để bảo tồn, gìn giữ nguồn gen cây mận đặc sản và từng bước nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm mận máu Cao Bằng, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống mận máu đặc sản cho năng suất, chất lượng cao tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng”. Mục tiêu của dự án là phát triển, mở rộng diện tích trồng mận máu đặc sản trên đất dốc nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất tự nhiên, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập và làm giàu cho người dân.
Đến nay, dự án đã thực hiện điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất giống mận máu đặc sản tại một số xã của huyện Bảo Lạc; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng vườn ươm nhân giống cây mận máu quy mô 1.000 m2; phát triển và mở rộng diện tích trồng mới 15 ha; xây dựng mô hình thâm canh 0,5 ha cây mận máu đặc sản tại 2 xã Khánh Xuân, Phan Thanh; đào tạo kỹ thuật và tổ chức tập huấn cho người dân.
Trên hành trình khám phá Bảo Lạc vào mùa mận chín, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng không gian kỳ vĩ, trùng điệp của núi sông, những bản làng bình yên và thưởng thức vị ngọt của quả mận máu để quên đi mệt mỏi sau chuyến đi dài.
Phương Anh | Báo Cao Bằng
إرسال تعليق