Trước tình trạng tồn đọng hàng trăm tấn bơ trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 không tiêu thụ được, ngày 12/6, UBND huyện Châu Đức đã phát động chương trình và triển khai các phương án nhằm hỗ trợ người trồng bơ.
Sáng 12/6, ông Lê Thanh Liêm, (thứ 2 từ trái qua) Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cùng các ngành, đoàn thể đã có chuyến khảo sát thực tế về tình hình tiêu thụ bơ trên địa bàn huyện |
HƠN 100 TẤN BƠ CHỜ TIÊU THỤ
Xã Xà Bang là một trong những địa phương có diện tích trồng bơ lớn nhất huyện Châu Đức. Thời điểm này, các vườn bơ đang rộ vụ thu hoạch nhưng không có thương lái tới thu mua. Nhiều trái già, hư hỏng, rụng đầy gốc, buộc người trồng phải bỏ đi.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Thắng, ở ấp Liên Đức, xã Xà Bang có khoảng 1,5ha trồng bơ, với năng suất 10 tấn/vụ. Những năm trước, khi đến vụ thu hoạch, thương lái tấp nập đến thu mua tại vườn. Thế nhưng năm nay, hàng chục tấn bơ đã già, quá thời gian thu hoạch nhưng thương lái mất hút. Do tồn hàng, giá bơ giảm mạnh. Những năm trước, trái bơ luôn duy trì mức 30-40 ngàn đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 60-70 ngàn đồng/kg thì nay chỉ còn 7-10 ngàn đồng/kg, có những loại còn 4-6 ngàn đồng/kg. “Chúng tôi như đang ngồi trên đống lửa, bao nhiêu tiền của và công sức đổ vào đây giờ không có người mua. Nhìn những trái bơ phải cắt bỏ đầy vườn, chúng tôi vô cùng xót xa”, ông Thắng bày tỏ.
Châu Đức là một trong những địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất tỉnh với khoảng 3.852ha. Ngoài bơ, nhiều loại trái cây khác như xoài, chôm chôm, mít… cũng đang trong tình trạng không tiêu thụ được. Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 500 - 700 tấn trái cây tồn đọng do đang bước vào cuối vụ, mưa xuống, giá giảm mạnh, thương lái thu mua ít nên các nhà vườn phải cắt bỏ. Với gần 600ha bơ, toàn huyện còn khoảng 100 tấn bơ giống 034, Quốc Minh… đã tới kỳ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được.
Trên địa bàn Châu Đức hiện có khoảng 500 - 700 tấn trái cây tồn đọng do đang bước vào cuối vụ, mưa xuống, giá giảm mạnh, thương lái thu mua ít nên các nhà vườn phải cắt bỏ. |
KÊU GỌI HỖ TRỢ TIÊU THỤ NÔNG SẢN
Trước tình trạng trên, chiều 11/6, UBND huyện Châu Đức đã có cuộc họp với các ban, ngành, đoàn thể bàn cách hỗ trợ nông dân tiêu thụ số nông sản còn tồn đọng, mà trước mắt là trái bơ. Tại cuộc họp này, lãnh đạo huyện Châu Đức giao cho các xã, thị trấn và các ngành liên quan tiếp tục rà soát thực trạng nông dân trồng bơ đang cần hỗ trợ tiêu thụ, báo cáo trước ngày 14/6 để UBND huyện lập phương án tổ chức thực hiện.
Tiếp đó, sáng 12/6, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cùng đại diện các ngành, hội, đoàn thể đã khảo sát thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời triển khai các chương trình nhằm tiêu thụ số bơ tồn đọng tại các vườn hiện nay. Sau đó, UBND huyện Châu Đức đã phát động các tổ chức, đoàn thể, DN và người dân trong và ngoài huyện cùng chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ số bơ đang trong thời kỳ thu hoạch.
Ông Đỗ Chí Khởi cho biết, ngay trong ngày 12/6, UBND huyện Châu Đức đã kêu gọi các DN, tổ chức, cơ quan, đoàn thể cùng người dân tham gia tiêu thụ bơ thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo. Với giá bán 10 ngàn đồng/kg, sau một ngày kêu gọi, các tổ chức, đơn vị, cá nhân đã đăng ký mua được 10 tấn bơ và một số DN tổ chức đang triển khai cho người lao động đăng ký “giải cứu”.
Tổ chức, cá nhân, DN đăng ký hỗ trợ tiêu bơ cho nông dân huyện Châu Đức thông qua số điện thoại 0983961096 (ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức) hoặc đăng ký trực tiếp tại văn phòng, Phòng Nông nghiệp huyện, số 70 Trần Hưng Đạo, TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức.
Theo kế hoạch của địa phương, trong ngày 14/6, các điểm bán bơ trên địa bàn huyện sẽ được triển khai. Trước mắt, huyện sẽ phối hợp cùng Đoàn Thanh niên tổ chức điểm bán tại Hội quán Thanh niên huyện. Người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hoặc đăng ký mua thông qua Phòng Nông nghiệp huyện. UBND huyện hỗ trợ phương tiện, lực lượng ĐVTN sẽ đến từng nhà vườn giúp vận chuyển, giao hàng miễn phí đến cơ quan, đơn vị theo số lượng đăng ký. Sau khi thống kê số lượng đăng ký mua hỗ trợ, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ thống nhất với các địa phương triển khai cho nhà vườn thu hái, tập kết. Các đơn vị tham gia hỗ trợ ngoài huyện sẽ có phương án vận chuyển riêng. Sản phẩm khi được giao sẽ thực hiện đúng quy trình thu gom, lựa chọn, đóng gói… bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU | BÁO BÀ RỊA VŨNG TÀU
إرسال تعليق