Hiện nay, cây sầu riêng đang bước vào vụ thu hoạch. Mặc dù giá có giảm so với trước, nhưng nông dân khá hài lòng vì sầu riêng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác.
Từ 90 cây sầu riêng, năm nay, bà Trần Thị Tươi, ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) thu về khoảng 350 triệu đồng |
Anh Trương Đình Nhật, thôn Nam Phú, xã Nam Đà (Krông Nô), có 180 cây sầu riêng, trong đó có 20 cây đã cho thu hoạch, chủ yếu sầu riêng Ri6, Dona. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nên chất lượng và sản lượng sầu riêng của gia đình anh cao hơn mọi năm.
Với 20 cây sầu riêng đang cho thu hoạch, năm nay anh thu khoảng hơn 5 tấn quả, trung bình mỗi cây đạt 2,5 tạ quả. Tuần trước, anh vừa bán sầu riêng cho thương lái thu được 150 triệu đồng. Trừ chi phí, anh lời khoảng 130 triệu đồng.
Cũng theo anh Nhật, mấy năm nay, giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, nên sầu riêng trở thành nguồn thu chính của gia đình. "Nếu giá sầu riêng giảm xuống tầm 20.000 đồng/kg thì lợi nhuận vẫn cao hơn cà phê và nhiều cây trồng khác", anh Nhật cho biết.
Gia đình bà Trần Thị Tươi, ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), có 90 cây sầu riêng ghép. Theo tính toán của bà Tươi, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 350 triệu đồng từ vườn sầu riêng.
So với các loại cây ăn trái, hiện nay sầu riêng đang cho bà nguồn thu nhập cao hơn hẳn. Mặc dù vậy, theo bà Tươi, trồng sầu riêng đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật mới đạt hiệu quả cao.
Sầu riêng dễ bị bệnh xì mủ, nứt thân và mùa khô hay bị nhện đỏ ăn trên mặt lá, dẫn đến rụng lá, rụng quả. Do đó, bà con phải ngăn ngừa, điều trị được các loại bệnh này thì sầu riêng mới mang lại hiệu quả kinh tế.
Trồng sầu riêng phải tưới nước và bón phân đầy đủ, hợp lý. Vào thời kỳ kinh doanh, ít nhất phải xịt thuốc 20 lần (những loại thuốc an toàn), quả sầu riêng mới đẹp, cho múi ngon và đạt năng suất. Do kỹ thuật chăm sóc và ảnh hưởng thời tiết, sầu riêng của các nhà vườn có thể cho năng suất tăng hoặc giảm.
Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, nên vườn sầu riêng của gia đình bà Trần Thị Tươi cho quả nhiều, to đều và chất lượng được đánh giá khá cao |
Hiện nay, đa số các hộ trồng sầu riêng đều bán sỉ sản phẩm cho các thương lái. Trên thị trường, giá bán sỉ sầu riêng Ri6 vào khoảng 35.000 đồng/kg, sầu riêng Dona khoảng 55.000 đồng/kg, giảm khoảng 40-60% so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Dù giá giảm, nhưng theo nhiều bà con nông dân, người trồng sầu riêng quy mô vừa vẫn có lợi nhuận khá cao, dễ tiêu thụ. Đối với các vựa trồng sầu riêng quy mô lớn, đầu ra sản phẩm khó khăn hơn, nhưng vẫn tiêu thụ được.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) dự kiến thu khoảng 200 tấn quả sầu riêng. Theo ông Trung, những năm trước, vườn sầu riêng của gia đình đều “chốt” giá sớm, tiêu thụ dễ dàng.
Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên gia đình vẫn đang chờ cơ hội để bán sầu riêng. "Do tình hình dịch bệnh phức tạp, việc xuất khẩu sầu riêng gặp khó khăn. Trang trại chúng tôi cũng bị ảnh hưởng phần nào. Tuy nhiên, cây sầu riêng vẫn tiêu thụ được và bảo đảm thu nhập ổn định cho gia đình", ông Trung chia sẻ.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông, trong thời điểm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều loại trái cây giá xuống thấp. Điều này khiến nhiều nông dân mất nguồn thu nhập, thậm chí thua lỗ.
Tuy nhiên, sầu riêng vẫn bảo đảm mức giá ổn định, đem lại lợi nhuận khá cao cho người dân. Vì vậy, bà con nông dân đã chú trọng đầu tư chăm sóc nhiều hơn cho vườn sầu riêng.
Bài, ảnh: Thanh Nga | Báo Đắk Nông
Đăng nhận xét