ADS

Sàn giao dịch thương mại điện tử Nông sản An Tâm

Hướng đến xây dựng thương hiệu''Măng cụt Cát Tiên''

Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu “Măng cụt Cát Tiên” được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương, nâng cao thu nhập cho người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nông sản này. 

trái cây Tây Nguyên, đặc sản Tây Nguyên, trái cây Lâm Đồng, đặc sản Lâm Đồng, trồng xen canh, măng cụt Đức Phổ, măng cụt Cát Tiên, măng cụt Lâm Đồng, măng cụt VietGAP, măng cụt Tây Nguyên, trồng măng cụt
Nhờ áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, vườn măng cụt của anh Duyên đều đặn cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm.


Những năm gần đây, cây măng cụt được nhiều bà con nông dân trong huyện Cát Tiên ra sức phát triển. Bởi, so với các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện, hiệu quả kinh tế từ loại cây này mang lại vượt trội hơn. Trung bình, mỗi ha trồng măng cụt áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao, nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Xã Đức Phổ là địa phương có diện tích trồng cây măng cụt lớn nhất huyện Cát Tiên. Ghé thăm vườn cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Phạm Thanh Duyên, Thôn 1, xã Đức Phổ được anh cho biết, cách đây hơn 7 năm, nhận thấy nhu cầu thị trường về các loại trái cây ngày càng tăng cao, nhất là sản phẩm trái măng cụt, gia đình anh đưa vào trồng hơn 150 cây măng cụt trên diện tích 1,1 ha đất vườn. Sau nhiều năm chăm sóc, đến nay, gia đình anh đều đặn có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm.

 

Anh Duyên chia sẻ: Ban đầu, anh học kỹ thuật trồng từ người bán giống và tự tìm hiểu thêm qua sách vở. Đến năm 2018, sau khi tham gia các lớp tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng măng cụt theo chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức, anh đem kiến thức học được về áp dụng cho vườn cây của gia đình.

 

Ưu điểm của giống cây này là ít chiếm diện tích, cây ưa mát, năng suất cao và giá cả ổn định, do vậy có thể trồng xen trong vườn với nhiều loại cây trồng khác hoặc trồng chuyên canh với diện tích lớn. Hơn nữa, cây măng cụt sinh trưởng mạnh, khả năng chống ngập, úng và sâu bệnh tốt, ít phải chăm sóc như các loại bưởi, cam, quýt. Đơn cử, trên diện tích 1,1 ha đất vườn, bên cạnh hơn 150 cây măng cụt, anh Duyên hiện đang trồng 200 cây sầu riêng, 20 gốc bưởi và 20 gốc chôm chôm. Tất cả diện tích khu vườn đều được anh thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới tự động, việc chăm sóc cây trồng cũng hoàn toàn ứng dụng công nghệ cao.

 

Theo anh Duyên, chăm sóc cây măng cụt không khó mà cái khó hơn là tuân thủ các yêu cầu khi trồng theo VietGAP. Đổi lại, cây măng cụt sẽ cho thời gian thu hoạch rất lâu, kéo dài lên đến 50 năm, thậm chí cả trăm năm với sản lượng mỗi năm sẽ một tăng. Nếu như năm 2020, vườn măng cụt của anh Duyên cho sản lượng trái đạt hơn 2,5 tấn thì năm nay sản lượng dự kiến tăng thêm 0,5 tấn. 

 

Cùng với đó, giá bán cũng được thương lái thu mua cao hơn do chất lượng quả ngon, đều và thị trường tiêu thụ khá rộng. Ngoài ra, măng cụt có thể bảo quản lâu hơn mà không bị hư nên chúng có thể vận chuyển ra thị trường các tỉnh phía Bắc. 

 

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Phổ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã đang có khoảng 80 ha trồng măng cụt; trong đó, khoảng 60 ha đang bước vào thời kỳ kinh doanh. Thực tế sản xuất tại địa phương cho thấy, hiện măng cụt đang được người dân trồng xen canh phổ biến trong vườn sầu riêng, mít Thái, chôm chôm... với diện tích còn khá manh mún. Tuy nhiên, nếu tính trên diện tích quy đổi thì quy mô trồng cây măng cụt tại địa phương đang ngày càng lớn. Cho dù không nằm trong danh mục cây chủ lực, song do bà con nông dân nhận thấy được lợi nhuận kinh tế từ loại cây này nên đã học hỏi lẫn nhau để trồng. 

trái cây Tây Nguyên, đặc sản Tây Nguyên, trái cây Lâm Đồng, đặc sản Lâm Đồng, trồng xen canh, măng cụt Đức Phổ, măng cụt Cát Tiên, măng cụt Lâm Đồng, măng cụt VietGAP, măng cụt Tây Nguyên, trồng măng cụt
Cây măng cụt đang là lựa chọn của nhiều nhà vườn ở huyện Cát Tiên


Ông Hòa lý giải cho việc cây măng cụt đang là lựa chọn của nhiều nhà vườn, bởi cây măng cụt trước kia trồng phải 10 - 15 năm mới cho trái, vì thế bà con ngại trồng vì lâu cho thu hoạch nên chỉ trồng xen một vài cây lấy quả cho vui. Nhưng hiện nay do sự phát triển khoa học kỹ thuật, cây măng cụt trồng từ 6-7 năm là đã có trái bói và bắt đầu cho thu nhập ổn định, vì vậy diện tích trồng ngày càng phát triển nhanh. Cây càng lâu năm, sản lượng trái càng nhiều, hơn nữa trái măng cụt đang có giá cao trên thị trường, vì vậy trồng xen với các loại cây khác người nông dân cảm thấy an tâm hơn khi có rủi ro, biến động.

 

Theo thống kê, toàn huyện Cát Tiên hiện có trên 150 ha trồng măng cụt, tập trung tại các xã Đức Phổ, thị trấn Phước Cát, còn lại rải rác ở một số xã như: Quảng Ngãi, Gia Viễn, Nam Ninh... Tuy nhiên, việc phát triển cây măng cụt ở Cát Tiên vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể là mật độ trồng chưa hợp lý và quy trình canh tác còn theo kinh nghiệm là chính và chưa bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, năng suất vườn cây còn thấp so với tiềm năng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu và không đồng bộ.

 

Ông Trần Quang Trừng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên nhìn nhận: Với nguồn thu nhập khá cao từ trồng cây măng cụt, nhiều hộ nông dân đang có thu nhập ổn định và dần thực hiện chuyển đổi sang trồng loại cây này. Để phát huy lợi thế vốn có của huyện, tạo điều kiện hình thành vùng cây ăn quả đặc sản, chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Cát Tiên, Phòng Nông nghiệp huyện đang khẩn trương phối hợp với các địa phương và ngành liên quan nghiên cứu, soạn thảo kế hoạch xây dựng, phát triển vùng sản xuất măng cụt tập trung, hướng đến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu “Măng cụt Cát Tiên”. 

 

Hiện, Trung tâm Nông nghiệp huyện Cát Tiên đang tiến hành lựa chọn và xây dựng các mô hình vườn mẫu, trồng măng cụt theo quy trình VietGAP để tiến hành nhân rộng tại địa phương. Đối với huyện Cát Tiên, măng cụt sẽ là loại cây trồng thứ ba, sau sản phẩm Lúa gạo Cát Tiên và Diệp hạ châu được chọn để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản. 

 

Với việc các mô hình sản xuất măng cụt đầu tiên trên địa bàn được thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đây là tiền đề để các địa phương tiến tới nhân rộng, đưa loại cây trồng này tiếp tục phát triển, tạo nên sự liên kết trong sản xuất từ các hộ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị gia tăng trên đơn vị sản xuất... Từ đó, tạo cơ sở để địa phương từng bước thực hiện việc xây dựng thương hiệu “Măng cụt huyện Cát Tiên”. 


Tìm hướng đi bền vững cho cây Măng Cụt Bảo Lộc I Nông Nghiệp Lâm Đồng TV

HOÀNG SA | BÁO LÂM ĐỒNG

Bình luận

Mới hơn Cũ hơn

Vietnam Logistics and Aviation School

Chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản miền Tây tươi - sạch - ngon