ADS

Sàn giao dịch thương mại điện tử Nông sản An Tâm

Vải U hồng trên cao nguyên Di Linh

Sau vài năm trồng thử nghiệm, đến nay, cây vải U hồng (hay còn gọi là vải sớm U hồng) đã bén rễ trên cao nguyên Di Linh. Do năng suất khá cao, chất lượng quả thơm ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng, nên ông Diệp Văn Tảo ở Thôn 8, xã Gia Hiệp vừa mở rộng diện tích, vừa cung cấp cây giống nhân rộng mô hình cho các nông hộ trong vùng cùng tham gia sản xuất. 

trái cây Lâm Đồng, đặc sản Lâm Đồng, trái cây Tây Nguyên, vải chín sớm, vải U hồng Tân Lâm, vải U hồng Di Linh, vải U hồng Lâm Hà, vải U hồng Bảo Lâm, vải U hồng Lâm Đồng, vải thiều Lâm Đồng, vải thiều Tây Nguyên, mùa vải thiều
Mô hình trồng cây vải của gia đình ông Diệp Văn Tảo đang mở hướng đi mới cho nông dân Di Linh


Chúng tôi đến thăm mô hình vải U hồng của gia đình ông Diệp Văn Tảo tại Tổ 5, Thôn 2, xã Tân Lâm (huyện Di Linh), vào thời điểm cây vải đang trong giai đoạn cho quả. Dẫn chúng tôi đi tham quan quanh vườn vải, ông Tảo cho biết: Trước đây, khu vườn này gia đình tôi trồng cây cà phê, thay vì chọn sầu riêng hay cây bơ… như bao hộ dân khác trong vùng thì tôi chọn cây vải U hồng làm cây trồng xen của gia đình. Bởi theo ông Tảo, tuy cây trồng này đã có một số tỉnh Tây Nguyên trồng thành công nhưng lại là cây khá mới, lạ so với bà con nông dân ở địa phương Lâm Đồng nói chung và vùng đất Di Linh nói riêng.


Trong quá trình trồng thử nghiệm, nhận thấy cây vải rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Di Linh, nhất là vùng đất trải dọc ven sông Đồng Nai, nên từ vài chục cây ban đầu đến nay gia đình ông Tảo đã phát triển 1.400 cây, được trồng xen trên diện tích 1,7 ha cà phê. “Năm 2019, khi cây vải bắt đầu cho quả bói tôi đã mạnh dạn, quyết định phá bỏ toàn bộ cây cà phê đang cho kinh doanh để chuyển sang chuyên canh cây vải. Hiện nay trong số 1.400 cây vải, có cây đã cho thu hoạch, riêng vụ vải cho thu bói năm 2020, gia đình tôi thu được trên 7 tạ quả, đạt giá trị khoảng 35 triệu đồng. Vụ vải năm nay, gia đình tôi ước đạt khoảng 17 tấn quả và cung cấp khoảng 4.000 cây giống cho người dân ở các huyện trong tỉnh”, ông Diệp Văn Tảo cười nói.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để có được thành quả như ngày hôm nay, thời gian qua, ông Diệp Văn Tảo đã dành nhiều thời gian, công sức để thường xuyên đi nhiều nơi, đặc biệt là huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tìm hiểu về cây giống, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức khoa học - kỹ thuật trồng và chăm sóc, nhất là kinh nghiệm, kỹ thuật trong việc xử lý cho cây ra hoa, phân hóa mầm hoa, đậu trái và cho năng suất cao.

 

Ông Diệp Văn Tảo cho biết thêm, vải là cây dễ trồng, không đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư, chăm sóc. Với 1.400 cây, trong năm qua, gia đình ông Tảo chỉ chi phí khoảng 15 triệu đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Về cách chăm sóc, mỗi người có một bí quyết chăm sóc riêng. Với ông, ngoài việc tỉa cành, tạo tán, tưới nước, chú trọng phòng trừ sâu ăn lá thì khâu xử lý cho cây ra hoa, đậu quả là quan trọng nhất, vì đây là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất của vườn cây.


Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho cây vải sinh trưởng và phát triển, nên cây vải U hồng ở vùng đất Di Linh có những ưu điểm riêng như: cây ra hoa sớm hơn so với các vùng khác, thời gian từ khi cây ra hoa cho đến khi cho thu hoạch chỉ trong vòng 7 tháng, quả vải cũng chín trước so với Đắk Lắk sớm hơn 15 ngày và so với các tỉnh ngoài Bắc cho thu sớm hơn 1 tháng. Còn quả có đặc điểm chung là vỏ mỏng, da căng…, nên chất lượng quả thơm ngon và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, với giá trị kinh tế cây vải mang lại, những năm gần đây, cây vải được nhiều hộ dân các tỉnh Tây Nguyên đầu tư trồng, mở rộng diện tích, tập trung ở các huyện Ea Kar, M’Dak (Đắk Lắk), huyện Đắk Song (Đắk Nông), huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm (Lâm Đồng)… 

 

Sau vài năm nỗ lực, chịu khó tìm tòi, vừa làm, vừa ra ngoài quê Bắc Giang học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa nên niên vụ này vườn vải của gia đình ông Diệp Văn Tảo cho quả đồng đều hơn và hứa hẹn một vụ mùa bội thu. “Đối với cây vải giống chiết cành từ khi trồng sau 3 - 5 năm tuổi cần biết cách xử lý cho cây ra hoa. Do năm ngoái chưa thành thạo kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa nên hiệu quả kinh tế mang lại còn thấp. Riêng vụ vải năm nay, sau khi cây đậu quả đã được thương lái ở tỉnh Đắk Lắk đến xem, định giá sẽ đạt khoảng 40 tấn quả và hỏi mua với giá trên 1 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Định hướng trong thời gian tới gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích lên đến 10 ha”, ông Diệp Văn Tảo cho hay. 

 

Qua tham quan mô hình vải của gia đình ông Diệp Văn Tảo, ngành nông nghiệp huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương xã Tân Lâm đánh giá rất cao về triển vọng và hiệu quả kinh tế mà mô hình vải U hồng mang lại. Để cây vải phát triển trở thành cây làm giàu cho người nông dân, các ngành, các cấp sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho bà con nông dân đến tham quan, tìm hiểu, học tập, mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi năng suất kém sang trồng vải và một số cây trồng khác cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua đó, không chỉ mở rộng diện tích, xây dựng vùng nguyên liệu, mà còn định hướng, vận động người trồng vải liên kết, thành lập các nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã trồng vải theo quy trình VietGAP… và kết nối với thị trường thông qua các công ty, doanh nghiệp nhận bao tiêu để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. 


Cập nhật giá vải u hồng ở tây nguyên ngày 30/04/2021 DL

NDONG BRỪM | BÁO LÂM ĐỒNG

Bình luận

Mới hơn Cũ hơn

Vietnam Logistics and Aviation School

Chuyên cung cấp các loại trái cây đặc sản miền Tây tươi - sạch - ngon