Hàng năm, vụ thu hoạch vải lai chín sớm tại huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên diễn ra vào nửa cuối tháng Năm dương lịch và mang lại nguồn thu lớn. Tuy nhiên, vụ vải năm nay kém vui với nông dân huyện Phù Cừ bởi sản lượng và giá đều thấp hơn so với những năm trước.
Thời điểm này, các hộ trồng vải trên địa bàn huyện Phù Cừ đang bước vào vụ thu hoạch chính. |
Vải sớm mất mùa
Huyện Phù Cừ hiện có khoảng 900ha trồng vải; trong đó có hơn 700ha vải lai chín sớm và gần 200ha vải trứng. Vải lai chín sớm được trồng nhiều ở các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến…
Năm nay, sản lượng vải lai chín sớm toàn huyện ước đạt trên 8.000 tấn quả, giảm 30% so với các năm trước. Giá vải dao động từ 12.000-15.000 đồng/kg, thấp hơn so với vụ vải năm 2020 ( từ 20.000-25.000 đồng/kg).
Bà Đồng Thị Thu Hương - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tiến, xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, cho biết thời tiết năm nay không thuận cho cây vải. Thời điểm đầu năm cây ra hoa, thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả tương đối cao. Nhưng gần đến lúc thu hoạch, vải lại bị bệnh khiến quả rụng nhiều và sản lượng vải năm nay của hợp tác xã dự kiến thấp hơn so với năm ngoái khoảng 50%.
Ông Đặng Văn Viễn ở thôn Tam Đa, xã Tam Đa, cho hay năm nay thời tiết không thuận nên sản lượng vải của gia đình giảm khoảng 30%. Thêm vào đó, giá bán cũng giảm so với năm ngoái nên thu nhập vụ vải này của gia đình bị giảm khá nhiều.
Theo nhiều người dân Phù Cừ, do dịch COVID-19 nên việc vận chuyển, tiêu thụ vải ở một số chợ đầu mối, một số tỉnh gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Tiến Thiều - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi, xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, cho biết vụ vải năm nay có nhiều bất lợi do thời tiết nhưng dịch COVID-19 cũng khiến ảnh hưởng thêm nặng nề. Đến thời điểm này, kênh tiêu thụ chính vẫn là thương lái nên giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào họ.
Cùng với vải lai chín sớm, quả vải trứng những năm gần đây cũng mang lại nguồn thu lớn cho nhiều người dân huyện Phù Cừ. Tuy nhiên, sản lượng năm nay dự báo cũng bị giảm do ảnh hưởng của thời tiết. Vụ thu hoạch vải trứng chín rộ vào cuối tháng Năm và hiện vải trứng có giá trung bình từ 80.000-100.000 đồng. Năm nay, sản lượng vải trứng của huyện Phù Cừ ước đạt gần 80 tấn, tập trung chủ yếu ở xã Phan Sào Nam.
Ông Vũ Đình Binh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ cho hay, ngay từ đầu mùa có trận mưa axít khiến sản lượng vải trứng năm nay giảm. Diện tích vải trứng toàn xã Phan Sào Nam năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng từ 25-30 tấn quả, giảm khoảng 20 tấn so với năm trước.
Do dịch COVID-19 nên việc vận chuyển, tiêu thụ vải ở một số chợ đầu mối, một số tỉnh khác gặp khó khăn. |
Tìm đầu ra
Trên thực tế, việc tiêu thụ vải lai chín sớm trên địa bàn huyện Phù Cừ hiện vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” mà chủ yếu dựa vào các thương lái trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, mỗi vụ thu hoạch diễn ra trong thời gian rất ngắn, chỉ kéo dài khoảng hơn 2 tuần. Điều đó rất bất lợi cho nông dân khi trên địa bàn huyện không có các thiết bị hiện đại để bảo quản cũng như không có nhà máy chế biến quả tươi. Chính vì thế, người trồng vải luôn bị động, phụ thuộc vào thương lái. Đó cũng là nguyên nhân khiến giá vải không ổn định và thường bị thương lái ép giá.
Theo chủ trương của địa phương, nhiều nông dân huyện Phù Cừ đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Địa phương này đã hình thành các vùng trồng vải lai chín sớm, vải trứng, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…
Tuy nhiên, nhiều nông dân lo lắng, nếu tình hình tiêu thụ nông sản mà cụ thể là quả vải không được cải thiện thì việc mở rộng diện tích, chuyển đổi loại cây trồng này trong thời gian tới sẽ bất lợi họ. Chính vì thế, về lâu dài cần có sự liên kết bền vững với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến để quả vải lai Phù Cừ có đầu ra ổn định.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cừ, cho hay huyện đã phối hợp với các cơ quan truyền thông để quảng bá, đưa hình ảnh quả vải Phù Cừ đến với người dân trong cả nước. Huyện cũng đã làm việc và mời các nhà phân phối, các đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản ra nước ngoài đến tiếp cận với sản phẩm vải của Phù Cừ nhằm giúp bà con tiêu thụ vải.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ bà con tiêu thụ vải nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch. Cụ thể, huyện đã yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ thương lái đến thu mua vải; bố trí lực lượng hướng dẫn người đến thu mua phải khai báo y tế; tổ chức phun khử khuẩn các xe hàng....
Lực lượng công an tổ chức phân luồng giao thông bảo đảm không ùn tắc tại các tuyến đường, điểm thu mua vải, tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái đến thu mua vải của người dân.
Đỗ Huyền (TTXVN/Vietnam+)
إرسال تعليق