Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là cây thanh long ruột đỏ ở Thuận Châu sẽ cho thu hái những lứa quả đầu tiên. Thời điểm này, nông dân các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Chiềng Ly đang tập trung chăm sóc quả thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ để đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Từ trung tâm huyện Thuận Châu xuôi theo quốc lộ 6 lên xã Chiềng Pha, nơi có diện tích trồng thanh long ruột đỏ lớn nhất huyện với diện tích 27 ha, xe chúng tôi men theo con đường bê tông đến vườn thanh long của HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận khi các thành viên đang tập trung chăm sóc vườn thanh long. Dọc hai bên sườn đồi, hàng nghìn cây thanh long được trồng thành những hàng dài thẳng tắp, bám chặt lên trụ cột bê tông đang cho ra hoa và quả.
Thăm vườn thanh long của gia đình chị Lò Thị Dưng, người đầu tiên đưa thanh long “bén rễ” trên mảnh đất này, trước mắt chúng tôi là những trụ thanh long đang tỏa cành xanh mướt, hoa nở trắng muốt. Chị Dưng cho biết: Năm 2017, sau khi được huyện cho đi tham quan học hỏi các mô hình kinh tế, thấy mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo chuỗi liên kết của HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng ở Mai Sơn phù hợp, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng ngô, sắn sang trồng 400 trụ thanh long (Hội Phụ nữ huyện hỗ trợ giống 200 trụ) trên 3000 m2 đất, sang năm thứ 2 cho quả thu được 80 triệu đồng. Đến nay, gia đình đã phát triển lên 1.700 trụ (1,7ha). Năm 2020 thu hoạch được 15 tấn quả (xuất khẩu sang Nga được 2 tấn), thu về hơn 300 triệu đồng.
Từ trên cao nhìn xuống, vườn thanh long được trải rộng với hàng nghìn gốc theo từng trụ nhìn rất đẹp mắt. |
Chị Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX nông nghiệp Quỳnh Thuận, chia sẻ: Năm 2020, tôi đã vận động mấy chị em trong bản thành lập HTX với 12 thành viên trồng 10 ha thanh long ruột đỏ, toàn bộ đều đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. HTX luôn thực hiện tốt chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Năm 2020, HTX đã xuất khẩu 7 tấn sang thị trường Nga và 152 tấn trong nước, trừ chi phí thu hơn 1,9 tỷ đồng. Thời điểm này, các thành viên trong HTX đang tiến hành chăm sóc quả theo hướng dẫn của HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng. Dự kiến năm nay, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 200 tấn quả.
Là đơn vị liên kết thực hiện cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân. chị Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn chia sẻ: Thực hiện chủ trương của huyện về phát triển chuỗi giá trị thanh long, năm 2018, HTX đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn Thuận Châu để đưa cây thanh long vào trồng, mở các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ cho người dân.
Những hàng trụ thanh long trồng thẳng tắp, cành chen cành được nông dân chăm sóc cẩn thận. |
Đến nay toàn huyện có 50 ha (44ha trồng theo chuỗi liên kết giá trị), năm 2020, diện tích quả cho thu hoạch đạt 24 ha, sản lượng hơn 200 tấn, xuất khẩu chính ngạch sang Nga 12 tấn, còn lại toàn bộ đem bán các siêu thị trong toàn quốc. Hiện đang bùng phát dịch COVID-19 trở lại, HTX đang định hướng, lứa đầu tiên hàng loại 1 sẽ liên kết đưa quả bán tại các siêu thị ở Hà Nội; hàng loại 2 (kích cỡ quả bé hơn) đưa vào chế biến thanh long ép dẻo.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Năm 2021, diện tích thanh long ruột đỏ cho thu hoạch sản phẩm là 40 ha với tổng sản lượng ước đạt 400 tấn, dự kiến xuất khẩu ước khoảng 100 tấn sang các thị trường nước ngoài. Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã làm việc với đơn vị chủ trì dự án là HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng xây dựng kế hoạch bao tiêu sản phẩm quả cho nhân dân trên địa bàn với các phương án khác nhau. HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng đã làm việc và ký kết hợp đồng nguyên tắc xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm quả thanh long ruột đỏ với một số công ty, doanh nghiệp trong nước để có đầu ra ổn định cho sản phẩm quả thanh long.
Đặt bẫy ruồi vàng để tránh ảnh hưởng đến chất lượng quả và tiêu chuẩn xuất khẩu. |
Thuận Châu hiện đã có 1 mã vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, UBND huyện đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp mã số vùng trồng thanh long để xuất khẩu sang các thị trường khó tính; tăng cường đẩy mạnh xúc tiến thương mại; kêu gọi và tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp, HTX xây dựng và vận hành cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến sản phẩm quả để tạo ra các sản phẩm chế biến có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tin rằng, với sự tích cực, chủ động của người dân, sự quan tâm hướng dẫn hỗ trợ của doanh nghiệp và chính quyền, cây thanh long ở huyện Thuận Châu sẽ ngày càng phát triển ổn định, bền vững.
Thủy Ngân - Phan Hưng | Báo Sơn La
إرسال تعليق