Hiện nay, vườn vải u hồng hơn 250 cây (tương đương 1,5 ha) của ông Nguyễn Văn Nuôi, bon Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song) đang bước vào mùa thu hoạch. Năm nay, vườn vải vừa sai quả, vừa được giá. Ông Nuôi dự kiến sản lượng vải đạt 20 tấn quả, thu về khoảng 300 triệu đồng trừ chi phí.
Vườn vải u hồng trĩu quả của ông Nguyễn Văn Nuôi cho thu nhập cao. |
Vườn vải u hồng của gia đình ông Nuôi trồng đã hơn 16 năm. Hành trình đến với cây vải của ông Nuôi ban đầu cũng rất vất vả. Năm 2004, gia đình trồng 180 cây vải giống u hồng, nhưng sau 5 năm vẫn không ra quả.
Do đó, ông đã đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm. Ông mời kỹ sư từ thành phố Hồ Chí Minh về tận vườn tư vấn, hướng dẫn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc thì vườn vải mới bắt đầu ra quả. Trong quá trình chăm sóc, ông mất thêm 3 năm nữa để nghiên cứu và áp dụng thêm kiến thức, vườn vải mới cho thu hoạch đều đặn.
Trong 8 năm qua, mỗi năm, vườn vải u hồng của ông Nuôi đều cho thu hoạch từ 15-25 tấn quả, lãi hàng trăm triệu đồng. Một trong những thuận lợi đó là vườn vải của ông Nuôi cho thu hoạch vào đầu tháng 5 dương lịch và kéo dài khoảng 1 tháng.
Khi vườn vải của gia đình ông thu hoạch xong, các vựa vải ở các tỉnh phía Bắc mới thu hoạch, nên giá bán thường ở mức cao, dễ tiêu thụ. Hiện nay, ông Nuôi đang bán sỉ với giá 30.000- 35.000 đồng/kg vải tươi. Vườn vải được gia đình ông Nuôi trồng theo quy trình sạch, nên quả đẹp, mui dày, hạt nhỏ, vị ngọt vừa phải, người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Theo ông Nuôi, vải u hồng thường mắc các bệnh thán thư, sâu cuốn, quả bị chua… Do đó, khi trồng loại vải này, bà con nên đề phòng bệnh bằng cách dùng vôi, các loại thuốc sinh dược khác.
Vải U Hồng được đóng thùng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. |
Muốn quả vải có vị ngọt, bà con phải bón lượng kali vừa đủ cho cây. Khâu khó nhất trong chăm sóc là để vườn vải sai trái, người trồng phải áp dụng kỹ thuật ức chế ra hoa. Đối với vải u hồng, nhiệt độ từ 15-17 độ C mới phù hợp cho cây ra hoa. Do đó, nếu thời tiết nắng nóng, bà con phải áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật để làm mát cho vườn. Trước thời kỳ ức chế ra hoa, bà con có thể sử dụng hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt để giải nhiệt cho cây.
Năm nào thời tiết lạnh nhiều thì cây vải ra hoa nhiều. Ở thời điểm đang áp dụng kỹ thuật ức chế cây ra hoa thì không cần tưới nước, nhưng thời điểm nuôi hoa, nuôi trái cần tưới nước nhiều hơn.
Vườn vải của gia đình ông Nuôi là mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã Trường Xuân. Là người đầu tiên trên địa bàn xã Trường Xuân trồng vải u hồng và có nhiều kinh nghiệm, nên ông Nuôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người.
Nhiều năm nay, gia đình ông Nuôi đã mở cửa vườn vải cho mọi người đến tham quan, trải nghiệm miễn phí. Chị Lê Thị Hồng Nhung, ở thành phố Gia Nghĩa, cho biết, chị đã đến tham quan vườn vải của ông Nuôi. "Vườn vải rất sai quả, chất lượng không thua kém so với các loại vải ở phía Bắc. Đến đây chúng tôi rất thích thú, chụp nhiều ảnh và mua vải về biếu người thân”, chị Nhung chia sẻ.
Theo ông Nuôi, khi mọi người đến tham quan vườn vải, ai cũng mua một ít quả. Điều này giúp ngày càng có nhiều người biết đến vườn vải của gia đình, quan trọng hơn là khâu tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.
Trước đây, gia đình ông Nuôi chủ yếu bán vải ra thị trường các tỉnh Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước. Thế nhưng, nhờ có nhiều người dân trong tỉnh biết đến, nên sản phẩm vải của ông được tiêu thụ trong tỉnh nhiều hơn.
Vào thời điểm đầu mùa vụ thu hoạch vải, ông Nuôi thuê 6 người thu hái, mỗi ngày khoảng 1 tấn quả. Khi vào thu hoạch rộ, gia đình ông cần tới 20 người hái vải, với công hái mỗi ngày từ 200.000 - 250.000 đồng/người, tùy vào từng công việc.
Bài, ảnh: Thanh Nga | Báo Đắk Nông
إرسال تعليق